"Đại học không phải là cánh cửa duy nhất" - đó là tư duy dành cho những người không giỏi trong việc học thuật, nhưng có thể họ lại làm tốt việc khác ví dụ học nghề. Làm nghề cũng có cơ hội thu nhập ổn không kém gì đại học, tôi học làm đồ họa 3D, dù là thợ thôi nhưng thu nhập cũng 30 triệu đồng một tháng.
Đi làm công ty, tôi thấy có một số bạn học đại học Mỹ thuật, Kiến trúc, Xây dựng... kể rằng học hành rất vất vả, thời gian không hề ngắn và chẳng ít chông gai (phải học nhiều thứ trong 4-5 năm). Trong khi tôi học nghề chỉ mất một năm từ một người đã đi làm lâu năm rồi vào công ty làm luôn . Tính ra là tôi nhàn hơn và ít tốn kém hơn các bạn đó. Còn tư duy làm nghề thì tôi có học thêm các khóa từ các nghệ sỹ 3D nước ngoài, muốn nâng cao cái gì thì học riêng cái đó, không học lan man, nên cũng chẳng thua kém các bạn học đại học.
Nhìn vào thực tế, không học đại học không có nghĩa là 'không ưu tiên sự học'. Học nghề như nấu ăn, sửa điện, cơ khí, thiết kế... cũng vẫn là học. Chỉ là thay vì chú trọng vào bằng cấp, học thuật, học vị, người ta hướng đến việc trở thành một chuyên gia trong ngành nghề mà mình làm. Có nhiều đầu bếp nổi tiếng được nhiều người tôn trọng, họ chính là chuyên gia trong lĩnh vực của mình đấy. Và để được như vậy, họ cũng phải học rất nhiều từ trải nghiệm thực tế.
>> Sinh viên ôm mộng 'cứ học giỏi sẽ kiếm được việc lương cao'
Không phải ai cũng có thể tiếp thu kiến thức học thuật ở đại học được. Họ chọn không vào đại học vì sức học không nổi và học phí cao. Năm 2010, học phí đại học còn rẻ nên người ta còn muốn vào mặc dù là trường chất lượng thấp, điểm đầu vào sinh viên thì cũng thấp nốt. Thị trường việc làm bây giờ cũng cần rất ít vị trí người bằng cấp đại học, nên chỉ có những bạn nào học giỏi thực sự mới dám theo. Người giỏi, người chăm học đã nhắm thi vào đại học top hết rồi, giỏi hơn thì du học. Còn bạn học yếu mà vào đại học thì sau này sao ra cạnh tranh việc làm nổi?
Ngày xưa thi một trường tới 2-3 năm mới đậu, ngày nay cũng lúc 2-3 trường gửi giấy mời nhập học dù bạn chẳng đăng ký, nên có thể nói thời thế đã thay đổi rất nhiều. Từ khi trường ĐH mọc lên nhiều, sinh viên ra trường làm việc với mức lương không cao, thậm chí làm trái ngành nhiều hoặc thất nghiệp, nên cử nhân đại học ở ta thường bị chê.
Thời mười mấy năm trước học đại đại học rẻ, học xong ra làm trái nghề cũng được, miễn sao có cái bằng đại học là dễ xin việc. Nhưng bây giờ doanh nghiệp thích tuyển người đúng chuyên môn và biết làm việc hơn là có cái bằng. Thậm chí có một số ngành còn không cần bằng đại học, mà chỉ cần có Portfolio (hồ sơ năng lực) tổng kết được những gì đã làm, những dự án đã tham gia. Đời sinh viên vui hay không thì chưa biết, nhưng mà chuyện tiền bạc khi đi học mới là cái trước mắt cần quan tâm.
Tóm lại, hãy trải nghiệm nhiều thứ, muốn cái gì thì tìm cách để học một cách nghiêm túc nhất, tìm hiểu về nghề đó và cân nhắn con đường làm nghề kiếm tiền sau này. Học gì cũng được, nhưng quan trọng là bản thân bạn phải biết tư duy để học kiến thức và ứng dụng nó vào thực tế. Còn nếu học mà không thực hành được thì cũng sẽ trở thành vô dụng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.