Vì sao thực tế tại Việt Nam, một người không có bằng cấp... vẫn có thể kiếm được nhiều tiền, trong khi những cá nhân có trình độ học vấn, được đào tạo bài bản lại mãi không giàu? Đó có phải một nghịch lý, hay nguyên nhân nào tạo nên sự khác biệt này? Phải chăng giá trị của bằng cấp được thể hiện thông qua số tiền mà người đó kiếm được?
Trả lời những câu hỏi này, độc giả L.Buil chia sẻ: "Nhiều người Việt cứ hay nghĩ rằng chỉ cần học giỏi, có nhiều bằng cấp là sẽ phải giàu và định đề này không áp dụng ở những quốc gia có nền công nghệ khai phá. Như ở Mỹ chẳng hạn, hơn một nửa những người có bằng Tiến sĩ và họ giỏi thật sự trong lĩnh vực của mình, nhưng họ không giàu, không ở nhà sang, không lái xe xịn, không tiền bạc rủng rỉnh để khoe khoang, không quần là áo lượt, không điểm trang xa xỉ, không có các kỳ nghỉ lòe loẹt, không tiệc tùng đình đám...
Tại sao lại như vậy? Vì họ không muốn tâm trí của mình bị chi phối bởi những thứ vật chất phù phiếm trên. Thời giờ với họ rất có giá trị trên công việc mà họ tự chọn, tự hiến, và đa số là họ nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các trường đại học trên toàn nước Mỹ, trong các phòng thí nghiệm. Nói cách khác, họ không dùng bằng cấp để kiểm tiền. Nhưng bằng cấp của họ sẽ khai phá nhiều thành quả cho nhân loại. Không biết đến khi nào chúng ta mới suy nghĩ được như vậy?".
Đánh giá về mối liên hệ giữa bằng cấp và khả năng kiếm tiền, bạn đọc Oceania cho rằng: "Bằng cấp mà các trường đại học cấp cho sinh viên không có cam kết nào về khả năng làm giàu. Nhà trường chỉ dạy người học các kỹ năng để có thể làm các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Còn để làm giàu thì mỗi người phải biết lựa chọn đúng ngành đang hot, cơ hội công việc nhiều, lương cao, có khả năng làm ra tiền... Sau đó, họ còn phải có thêm may mắn, gặp đúng thời, đúng nơi, đúng chỗ mới có thể phất lên được.
Như lúc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, nhiều người bị sa thải nhưng cũng có người được giữ lại chỉ vì công ty của họ lớn, có thể trả lương một thời gian để giữ chân người lao động. Hay như khoảng 20 năm trước, ngành ngân hàng rất hot, còn bây giờ ở mấy nước phát triển ngành này lại đi xuống, nhiều ngân hàng phải đóng cửa. Chưa kể, muốn thành công trong bất cứ ngành nghề nào, bạn còn phải may mắn trong cuộc sống nữa. Chẳng hạn như nhà không có ai bệnh nặng, không nặng gánh nuôi gia đình, lấy được người biết kiếm tiền....
Cuối cùng là bạn phải biết đầu tư đúng nơi, đúng chỗ... Để thật sự giàu thì chỉ có cách kinh doanh, mà điều này cần tất cả những thứ trên, nhất là phải cần có 'business acumen' - thứ mà ở Mỹ người ta cũng không dạy nổi. Tóm lại, để làm giàu phải bao gồm rất nhiều điều kiện, mà bằng cấp chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong đó. Thành ra, mấy người nhiều bằng cấp mà không giàu cũng chuyện hết sức bình thường".
>> 'Bằng cấp đầy mình nhưng mãi không giàu'
Lấy dẫn chứng từ cách làm giàu ở một nước phát triển đi trước, độc giả Tien Thu Truong nêu quan điểm: "Ở Mỹ, tôi thấy người ta không chỉ đi làm công ăn lương bình thường, mà đa số người ta 'đi cày'. Người nào chịu khó 'cày cuốc' cật lực hai, ba công việ một lúc, thì đa phần đều có được nhà và mua được xe mới. Tôi nghiệm ra rằng, trong công thức làm giàu, bắt buộc phải có phần siêng năng, chịu khó, đi làm ít nhất 40 tiếng mỗi tuần.
Còn nói đến việc đi học, nếu tôi không bỏ ra 5 năm học Đại học ở Mỹ, có lẽ bây giờ tôi cũng vẫn phải cày hai, ba việc một lúc như thời mới qua đây. Nhờ có bằng Đại học ở Mỹ, một giờ bệnh viện trả lương cho tôi cao gấp bội so với lương đi làm lập trình viên trong hãng điện tử. Vậy khi bỏ công sức, tiền của, và thì giờ đi học Đại học, mỗi người phải nhắm vào những ngành nghề nhất định để mai này ra trường còn có người tuyển dụng.
Học Đại học xong cũng chưa đủ, bạn còn phải yêu nghề, bám nghề và lâu lâu tự bỏ tiền ra đi tu nghiệp thêm mới mong có hy vọng vươn lên chức cao hơn, kiếm nhiều tiền hơn... Đi làm công lương cao ở Mỹ, khi đi phỏng vấn xin việc bạn phải thuyết phục được người ta trọng dụng mình. Điều đó phụ thuộc vào kỹ năng thuyết trình của mỗi người. Khi đi phỏng vấn xin việc lương cao, sản phẩm tôi bán chính là trí óc và kinh nghiệm của bản thân. Nhờ đó, giờ mỗi tuần tôi chỉ phải làm việc 2-3 ngày, còn lại là nghỉ phép".
"Người ta đi học trường nọ trường kia thì cũng hướng tới mục đích cuối cùng là học cách kiếm tiền cả. Nếu bạn có cả sấp bằng nọ, chứng chỉ kia mà chúng không có tác dụng giúp bạn kiếm tiền thì đó cũng chỉ là sấp giấy lộn mà thôi. Dù chỉ đi làm thuê hay thành lập công ty thì bạn cũng phải học thực chất, học để lấy kiến thức sâu rộng chứ không phải chỉ lấy bằng cấp, chứng chỉ. Chỉ có làm nghiêm túc, làm đàng hoàng mới có cơ hội làm giàu vững chắc được", bạn đọc Tô Hòa kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.