Ăn phải đồ ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ôi thiu, biến chất... gây ngộ độc thực phẩm với biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng... Theo bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trong trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh có thể tiêu chảy ra máu, mất nước, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu nhận biết ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc vài phút, vài giờ hoặc một đến hai ngày. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, ở mức độ nặng, người bệnh cần được sơ cứu đúng cách để đề phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Dưới đây là một số gợi ý của tiến sĩ Khanh để xử trí tại nhà khi ngộ độc thực phẩm.
Uống bù nước
Nôn và tiêu chảy nhiều có thể gây mất nước. Người bệnh nên uống nước lọc, chanh muối, dừa tươi, nước gạo rang hoặc dung dịch oresol pha theo hướng dẫn sử dụng để cải thiện. Không nên uống đồ uống có nhiều đường vì có thể khiến tình trạng tiêu chảy nặng hơn. Không dùng dung dịch oresol đã pha sau 24 giờ.
Khi bị mất nước nặng, người bệnh thường có biểu hiện môi và da khô, lạnh; khát nước; mắt trũng; tiểu ít hoặc nước tiểu vàng đậm; li bì, nếp véo da mất chậm... Lúc này, bệnh nhân cần được cấp cứu truyền dịch.
Ăn thức ăn dễ tiêu hóa
Khi ngộ độc thực phẩm, người bệnh tạm thời không nên ăn trong vòng vài giờ. Sau khi hết triệu chứng nôn, bạn có thể ăn nhẹ và chia nhỏ các bữa ăn để cơ thể nhanh bình phục. Bạn nên lựa chọn các món dễ tiêu hóa như cháo, bột yến mạch, trái cây mềm... để giảm tải gánh nặng cho ruột. Dùng thêm sữa chua giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột. Bạn nên tránh ăn các thức ăn cay, chiên rán, nhiều chất béo.
Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy
Dùng thuốc chống tiêu chảy ngay từ đầu có thể làm chậm quá trình đào thải chất độc ra khỏi cơ quan tiêu hóa. Người bệnh chỉ nên uống thuốc khi tiêu chảy không khu trú, kéo dài sau khi có chỉ định của bác sĩ.
Theo dõi tình trạng sốt và đưa đến cơ sở y tế
Trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở. Do vậy, bệnh nhân khi có triệu chứng đau bụng nhiều, nôn nhiều không hết, đi ngoài phân lỏng nhiều và sốt cần đến cơ sở y tế. Dựa theo kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm xét nghiệm máu, cấy phân... để tìm kiếm vi sinh vật gây bệnh và xác định nguyên nhân ngộ độc, từ đó, lên phác đồ điều trị phù hợp.
Bạn nên giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ ngộ độc, bao gồm thông tin nhãn mác; bệnh phẩm nôn hoặc tiêu chảy của bệnh nhân và đưa cho bác sĩ để xác định nguyên nhân. Trường hợp ngộ độc tập thể cần báo cho các cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương để có hướng xử trí phù hợp.
Tiến sĩ Khanh cho biết, ngộ độc thực phẩm có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi. Để phòng bệnh, mọi người nên ăn chín, uống nước đun sôi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chế biến thức ăn bằng xà phòng. Nếu tay bị thương, bạn nên đeo găng để xử lý thực phẩm sống. Mọi người nên sử dụng các thực phẩm sạch, tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng. Với sản phẩm đóng hộp, đông lạnh, bạn nên chú ý hạn sử dụng và cách bảo quản dành riêng cho từng loại.
Trịnh Mai