Uống cà phê có nhiều lợi ích nhưng cũng có thể gây ra một số vấn đề tiêu hóa. Cà phê làm tăng sản xuất axit dạ dày, tăng chuyển động của đại tràng. Việc tiêu thụ một lượng lớn cà phê có thể gây tiêu chảy hoặc đi tiêu không kiểm soát. Những người mắc bệnh về đường ruột, trào ngược dạ dày hoặc các vấn đề về tiêu hóa không nên uống cà phê.
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Caffeine có trong cà phê gây kích thích đường ruột, tăng nguy cơ tiêu chảy. Do đó, nếu bạn bị IBS, thường đi đại tiện dạng lỏng nên hạn chế hoặc tránh sử dụng cà phê. Bác sĩ, tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, giải thích, caffeine có thể làm tăng nhu động ruột, tăng hormone căng thẳng gây kích hoạt trục gut-brain. Trục này là tín hiệu sinh hóa diễn ra giữa hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương, gây ra triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Tiêu chảy
Tiến sĩ Khanh chia sẻ, uống cà phê sau bữa ăn giúp bạn tiêu hóa nhanh hơn. Thức ăn đến trực tràng làm kích thích nhu động ruột nhiều hơn, từ đó, thúc đẩy cơn co thắt trực tràng và hậu môn khiến bạn muốn đi ngoài. Những người thường xuyên bị tiêu chảy cần hạn chế sử dụng cà phê. Uống cà phê buổi sáng làm cho ruột hoạt động mạnh hơn. Điều này khiến chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Caffeine, thành phần chính trong cà phê gây chứng ợ nóng, làm trầm trọng hơn bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có thể giảm lượng cà phê nạp vào hằng ngày hoặc uống cà phê pha lạnh có lượng caffeine thấp hơn, ít axit hơn để giảm kích ứng khi sử dụng.
Trẻ dưới 12 tuổi
Mặc dù caffeine có thể khiến bất kỳ ai uống có thể hơi bồn chồn, gây nhiều tác dụng phụ nhưng trẻ em là đối tượng cần hạn chế. Trẻ em dưới 12 tuổi uống cà phê dẫn đến đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, khó tập trung. Với trẻ nhỏ, nếu uống một lượng nhỏ cà phê có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nhận dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển cơ thể.
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, không chỉ đối với người có bệnh đường tiêu hóa, người bình thường nếu uống nhiều cà phê mỗi ngày cũng có thể xảy ra nhiều tác dụng phụ như đau đầu, mất ngủ, lo lắng, tim đập nhanh, đi tiểu thường xuyên hoặc không thể kiểm soát việc đi tiểu... Một số người nhạy cảm với caffeine nên ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây tác dụng không mong muốn như bồn chồn, khó ngủ.
Những người có thói quen uống cà phê, muốn cắt giảm lượng caffeine có thể khó khăn. Ngừng uống đột ngột có thể gây ra các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, cáu gắt, khó tập trung vào công việc. Bạn nên cắt giảm từng lượng nhỏ và tránh uống cà phê vào cuối ngày. Thay vào đó, bạn sử dụng các thực phẩm lành mạnh, tăng cường vận động thể thao để có sức khỏe tốt, hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Lục Bảo