Uống nhiều nước
Người bệnh gout có thể bị sưng và viêm đáng kể ở các khớp và uống nhiều nước là một trong những cách để giảm các triệu chứng này. Tăng cường dung nạp chất lỏng có thể thúc đẩy thận làm việc để giải phóng chất lỏng dư thừa khỏi cơ thể, từ đó giúp giảm sưng cho người bệnh gout. Những người mắc chứng suy tim sung huyết hoặc bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng nước uống.
Ngoài uống nước, một số loại chất lỏng khác như trà thảo dược cũng là những lựa chọn tốt cho người bệnh gout. Một số người tin rằng uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout. Một đánh giá và phân tích tổng hợp năm 2016 cho thấy, những người uống nhiều cà phê ít có nguy cơ mắc bệnh gout hơn. Tác dụng này có thể là do cà phê giúp làm giảm nồng độ axit uric. Tuy nhiên, người bệnh gout muốn uống cafe nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.
Chườm đá
Chườm lạnh cũng là biện pháp giúp giảm đau gout hiệu quả hơn. Trong khi chườm lạnh, cần lưu ý một số điều như: không áp trực tiếp đá lên da, thay vào đó hãy sử dụng một chiếc khăn mỏng hoặc cho đá vào túi chườm. Lưu ý không giữ túi chườm ở một vị trí cố định quá lâu để tránh bị tê cóng. Mỗi lần chườm không vượt quá thời gian từ 15 đến 20 phút, nên chia ra nhiều lần trong ngày.
Hạn chế căng thẳng
Căng thẳng tăng cao có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gout. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể loại bỏ tất cả các nguyên nhân gây căng thẳng nhưng một vài biện pháp sau đây có thể hữu ích: tập thể dục, nếu công việc gây căng thẳng quá mức hãy xin nghỉ làm từ 1-2 ngày, đọc sách, ngồi thiền, nghỉ ngơi đầy đủ...
Kê cao các khớp bị ảnh hưởng
Bệnh gout có thể gây đau và sưng tấy, đặc biệt là ở bàn chân, bàn tay, đầu gối và mắt cá chân. Một cách để giảm sưng là kê cao các khớp bị ảnh hưởng. Điều này khuyến khích máu và chất lỏng di chuyển ra khỏi khớp và quay trở lại tim.
Bên cạnh việc kê cao, người bệnh có thể kết hợp sử dụng túi nước đá để giảm các triệu chứng bệnh gout của họ. Hai biện pháp khắc phục này là một phần của phương pháp RICE, viết tắt của 4 bước sơ cứu khi gặp chấn thương thể thao bao gồm: Rest (nghỉ ngơi), Ice (chườm đá), Compression (băng ép) và Elevation (kê cao vị trí chấn thương).
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng
Chế độ ăn uống cân bằng gồm nhiều loại thực phẩm ít chế biến, chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp hạ thấp mức axit uric trong cơ thể và giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout.
Chế độ ăn kiêng tập trung vào thực vật có thể mang lại lợi ích đặc biệt cho những người bị bệnh gout. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm hiệu quả.
Bổ sung nước chanh
Nghiên cứu năm 2015 đăng trên trang ProQuest (chuyên trang thiên về dữ liệu khoa học) cho thấy, bổ sung nước chanh tươi mỗi ngày sẽ làm giảm axit uric ở những người bị bệnh gout. Nghiên cứu kết luận rằng, nước chanh giúp trung hòa axit uric trong cơ thể, do đó giúp giảm các triệu chứng bệnh.
Hạn chế uống rượu
Theo Tổ chức Viêm khớp, uống nhiều hơn hai loại đồ uống có cồn hoặc hai cốc bia mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Bia, rượu hoặc đồ uống có cồn chứa hàm lượng purin cao, vì vậy tránh những đồ uống này có thể có lợi cho người bị bệnh gout.
Tránh các loại thịt có hàm lượng purin cao
Một số loại thịt và cá có chứa một lượng lớn purin có thể kích hoạt cơn gout ở người bệnh, do đó, tránh những thực phẩm này có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh tốt hơn. Các loại thịt và cá có nhiều purin bao gồm: thịt lợn muối xông khói, gà tây, thịt bê, nai, nội tạng như gan, cá cơm, cá mòi, cá hồi, cá trích, cá tuyết, trai, sò...
Kiểm soát cân nặng
Duy trì cân nặng vừa phải bằng cách tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp người bệnh gout kiểm soát tốt tình trạng của họ. Ngoài ra, béo phì hay tăng trọng lượng cơ thể quá mức cũng có liên quan đến tăng nồng độ axit uric. Theo các nhà nghiên cứu, người béo phì có nguy cơ bị gout cao hơn người bình thường.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today)