Axit uric là một chất thải trong cơ thể, ở trạng thái bình thường, nồng độ chất này ở nam giới dao động từ 2,5 -7 mg/dl, ở nữ là 1,5-6,0 mg/dl. Nếu nồng độ axit uric tăng cao bất thường có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như bệnh gout hoặc sỏi thận.
Nguyên nhân khiến nồng độ axit uric cao không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống nhiều thực phẩm giàu purin (chất thúc đẩy cơ thể sản sinh axit uric) cũng là nguyên nhân phổ biến. Các thực phẩm chứa nhiều purin có thể kể đến như thịt đỏ, hải sản, bia, nội tạng... Người từng bị axit uric cao cần tránh xa các thực phẩm này.
Khi tế bào chết đi sẽ giải phóng purin, tăng cường sản sinh axit uric vào máu. Một số phương pháp điều trị ung thư như hóa trị có thể tiêu diệt một số tế bào trong cơ thể. Xét nghiệm axit uric có thể được đề nghị với người điều trị ung thư.
Một số bệnh lý gây giảm chức năng thận cũng có thể là nguyên nhân khiến nồng độ axit uric tăng. Thận lọc chất thải ra khỏi máu, bao gồm cả axit uric. Bệnh thận khiến thận giảm chức năng và khiến chúng không hoạt động bình thường, không thể lọc các chất thải bao gồm axit uric ra khỏi máu.
Triệu chứng cảnh báo axit uric cao
Các triệu chứng nồng độ axit uric cao có thể gây ra bao gồm bệnh gout và sỏi thận. Gout gây nên tình trạng đau hoặc sưng khớp, các khớp cảm thấy ấm khi chạm vào. Bệnh thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân, mắt cá chân và đầu gối.
Các triệu chứng của sỏi thận mà nồng độ axit uric cao cũng có thể gây ra bao gồm: đau lưng, đau ở bên hông, đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục, có mùi bất thường hoặc có máu... Sỏi thận có thể gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn tích tụ. Sỏi thận hay các bệnh lý về thận có thể dẫn tới bệnh thận mạn, khiến việc đào thải axit uric khỏi cơ thể trở nên khó khăn hơn.
Chẩn đoán nồng độ axit uric cao có thể bao gồm kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc chẩn đoán hình ảnh, tùy theo triệu chứng bệnh. Cách chính xác để biết nồng độ axit máu tăng hay không là xét nghiệm chỉ số máu. Với người bệnh sỏi thận, bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra nước tiểu trong vòng 24 giờ. Kết quả xét nghiệm có thể phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, chế độ ăn...
Với người bệnh sỏi thận, sử dụng phương pháp siêu âm có thể giúp bác sĩ nhận biết kích thước của sỏi để đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.
Phương pháp điều trị tình trạng axit uric cao có thể dựa vào chế độ ăn ít thực phẩm chứa purin để kiểm soát nồng độ axit uric. Thực phẩm chứa ít purin bao gồm sữa, trứng, các loại hạt và trái cây họ cam quýt. Trường hợp không thể kiểm soát tình trạng tăng axit uric máu bằng chế độ ăn kiêng, bác sĩ có thể kê thuốc tương ứng với tình trạng bệnh (sỏi thận, gout) để giảm bớt triệu chứng.
Người bệnh cần đi thăm khám sớm nếu bị đau khớp hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên. Nếu đã bị gout, nên kiểm tra nồng độ axit uric 6 tháng một lần để đảm bảo không bị tăng quá cao. Cùng với đó là việc sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý. Người bệnh sỏi thận nên uống đủ nước, hạn chế ăn nhiều muối và dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ.
Bảo Bảo (Theo Medical News Today, Very Well Health)