Ho là cách cơ thể phản xạ chống lại các chất lạ hoặc tác nhân kích thích. Người bị ho do nhiều nguyên nhân, có thể là nhiễm trùng, dị ứng. Một cơn ho ngẫu nhiên sau bữa ăn không có gì để lo lắng. Tuy nhiên nếu ho mạn tính, họ dữ dội thì đó là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe cần được điều trị. Theo VeryWellHealth, ho sau bữa ăn có thể do một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Bệnh hen suyễn
Hen suyễn xảy ra khi đường thở bị thu hẹp vì một số tác nhân như chất gây dị ứng, chất độc, virus hoặc thời tiết lạnh. Những người mắc hen suyễn thường bị ho liên tục, kèm theo đó là các triệu chứng như thở khò khè, tức ngực. Người mắc bệnh ho nhiều sau khi ăn nếu như trong bữa ăn họ gặp phải các chất dị ứng như sữa, trứng, cá, các loại hạt, đậu nành...
Dị ứng thực phẩm
Ho sau bữa ăn cũng có thể do dị ứng thực phẩm. Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với protein trong thực phẩm. Các triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể từ nhẹ đến nặng. Một người bị dị ứng thực phẩm, nếu nhẹ chỉ gây ho hoặc ngứa, chảy nước mắt, chảy nước mũi nhưng nếu nặng có thể bị sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Trào ngược axit dạ dày nhẹ
Một lý do gây ho sau bữa ăn khác liên quan đến bệnh lý tiêu hóa là trào ngược axit nhẹ. Những người bị trào ngược axit thường bị ho khi axit dạ dày đi vào thực quản, có thể do thức ăn bị trào ngược kích thích các đầu dây thần kinh và gây ra phản xạ ho. Axit gây kích ứng cổ họng gây ra ho, vì vậy nên hạn chế ăn các thực phẩm có tính axit nếu đang gặp phải vấn đề trào ngược axit nhẹ.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Bệnh trào ngược (GERD) là một tình trạng mạn tính, trong đó axit dạ dày trào lên thực quản, gây viêm. Các triệu chứng của GERD bao gồm nôn trớ, ợ chua, ho, khó nuốt, đau ở ngực hoặc bụng, khàn giọng, nôn mửa, thở khò khè và giấc ngủ bị gián đoạn. Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit đã được đẩy lên thực quản, đi vào cổ họng và từ đó gây ra do. Cơn ho sẽ xảy ra dữ dội khi người bị trào ngược dạ dày thực quản ăn các loại thực phẩm gây kích thích như cà phê, rượu và thức ăn cay.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên
Nhiễm trùng đường hô hấp trên là tình trạng liên quan đến mũi, xoang, hầu, thanh quản và đường hô hấp lớn, tất cả các tình trạng này đều có thể gây ho. Ngoài ra, tắc nghẽn và chảy dịch mũi sau có thể dẫn đến ho kéo dài.
Người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp khó khăn trong việc ăn uống vì thức ăn có thể gây nghẹt cổ họng gây ho. Ngoài ra, một số loại thực phẩm có thể làm đặc đờm gây tắc nghẽn đường thở.
Viêm phổi
Viêm phổi do hít thở xảy ra khi thức ăn, chất lỏng hoặc các chất khác vô tình xâm nhập vào phổi. Tình trạng này dễ xảy ra sau khi thức ăn đi vào khí quản và phổi. Trong một số trường hợp, lượng nhỏ thức ăn có thể đi xuống đường ống không đúng cách, kết quả gây ra ho.
Chứng khó nuốt
Khó nuốt có thể thay đổi cách thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa trên. Khi chứng khó nuốt làm gián đoạn khả năng di chuyển thức ăn nhai từ miệng xuống cổ họng, nó có thể gây ra tình trạng hít thức ăn vào phổi gây nghẹt thở. Hậu quả của nghẹt thở làm người đó ho kéo dài. Chứng khó nuốt có thể nguy hiểm ở người lớn tuổi, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý thần kinh.
Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa ho sau ăn, mọi người nên lập một kế hoạch phù hợp nhất để ngăn chặn cơn ho, bao gồm ăn nhiều bữa nhỏ, nhai kỹ trong khi ăn, không nằm ngay sau khi ăn...
Anh Chi (Theo VeryWellHealth)