Khớp cùng chậu nằm phía sau và giữa hai mông, kết nối xương sống, xương chậu ở gần hông. ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết viêm khớp cùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới, mông hoặc đùi. Người bệnh cảm thấy đau hoặc tê khi đứng lâu, lên cầu thang, chạy bộ, khó co duỗi chân.
Phương pháp điều trị ưu tiên là dùng thuốc giảm đau, chườm nóng, chườm lạnh, nghỉ ngơi. Sau đó, tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng các biện pháp phối hợp điều trị dưới đây.
Vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị, giúp thư giãn cơ thể, tăng cường dẻo dai, linh hoạt cho khớp cùng chậu. Người bệnh cần tham vấn bác sĩ cơ xương khớp trước khi tập để tránh chấn thương, triệu chứng nặng hơn.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc giãn cơ là biện pháp điều trị nội khoa thường được chỉ định. Tùy mức độ bệnh, bác sĩ phối hợp bài tập vật lý trị liệu hoặc nẹp khớp để có kết quả tốt hơn.

Bác sĩ Minh Tuệ tư vấn cho người bệnh xương khớp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Kích thích điện
Kích thích điện là phương pháp kích thích dây thần kinh qua da, các cơ quanh vùng khớp cùng chậu, giúp giảm đau, thư giãn các cơ và giảm co thắt. Phương pháp này chỉ thực hiện khi bệnh nghiêm trọng và nhằm mục tiêu hợp nhất các xương với nhau.
Sóng xung kích
Nguồn sóng âm mang năng lượng cao tác động vào đầu mút của các dây thần kinh cảm giác ở khớp cùng chậu, thúc đẩy quá trình tái tạo xương và các mô mềm sau tổn thương, giảm đau.
Phẫu thuật
Các phương pháp dùng thuốc, vật lý trị liệu được thực hiện trong khoảng vài tuần đến vài tháng để kiểm tra khả năng đáp ứng của người bệnh. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh được phẫu thuật.
Bác sĩ Minh Tuệ khuyến cáo nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng như sau:
Hạn chế vận động: Khớp cùng chậu viêm thời gian dài khiến tổn thương lan rộng, xâm lấn các hệ thống dây thần kinh tọa hoặc các cơ lân cận như cơ mông, cơ đùi. Người bệnh dễ teo cơ, làm giảm khả năng vận động.
Liệt chi: Trường hợp tổn thương nhiều, ảnh hưởng đến các khớp và dây thần kinh quan trọng có thể làm dính khớp, biến dạng khớp. Người bệnh có cảm giác tê cứng chi, khó đi đứng, không thể xoay người, không thể khom lưng, ngồi lâu... dần dẫn đến liệt.
Giảm khả năng sinh sản: Phụ nữ bị viêm khớp cùng chậu, nhất là trong độ tuổi sinh sản, dễ gặp biến chứng viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung. Hậu quả là giảm khả năng sinh sản, tăng tỷ lệ vô sinh hiếm muộn, mang thai ngoài tử cung, sinh khó.
Suy giảm chất lượng cuộc sống: Các cơn đau ở khớp cùng chậu kéo dài nhiều năm làm cho người bệnh khó chịu, đau đớn, khó đi lại, làm việc... ảnh hưởng cuộc sống, tốn kém chi phí điều trị.
Điều trị kịp thời giúp giải quyết dứt điểm viêm khớp cùng chậu, ngăn bệnh trở thành mạn tính, giảm nguy cơ phát triển biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, có lối sống lành mạnh.
Phi Hồng
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để được bác sĩ giải đáp.