ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, Phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm khớp cấp có thể xuất hiện đột ngột sau khi người bệnh ăn một bữa quá nhiều hoặc thay đổi thời tiết... Viêm khớp cấp gây sưng nóng, đỏ đau đột ngột, hạn chế vận động, mệt mỏi, mất ngủ.
Để tạm thời làm dịu triệu chứng khó chịu, người bệnh nên nghỉ ngơi, giảm tần suất vận động nhưng không dừng hẳn. Điều này giúp ngăn ngừa yếu cơ, đau và cứng khớp tiếp tục phát triển.
Trong 48 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đau, người bệnh nên chườm lạnh để giảm sưng và đau nhanh chóng. Sau đó, có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh tùy theo sở thích.
Theo bác sĩ Hoài Thanh, người bệnh viêm khớp cấp được chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp vật lý trị liệu như massage, châm cứu, kích thích thần kinh bằng dòng điện xuyên da... Trường hợp viêm nhiễm tại các cơ quan, bộ phận lân cận làm phát sinh phản ứng viêm tại khớp, người bệnh cần được điều trị nguyên nhân gốc. Ví dụ, viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng lậu sẽ dùng kháng sinh.
Sau khi cơn đau giảm, người bệnh có thể tập vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động, tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh. Nếu bệnh trở thành mạn tính, người bệnh cần hoạt động thể chất thường xuyên để ngăn ngừa mất cơ và cứng khớp vĩnh viễn.
Khi kết hợp các biện pháp trên nhưng sưng đau khớp không cải thiện sau vài tuần, nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện thêm phát ban, sốt, khó thở, sụt cân..,. người bệnh nên khám bác sĩ.
Nếu không điều trị kịp thời, viêm khớp cấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như phá hủy xương và sụn khớp, đau nhức dai dẳng. Bệnh còn làm biến dạng khớp, suy giảm nghiêm trọng khả năng vận động của người bệnh.
Theo bác sĩ Hoài Thanh, viêm khớp cấp có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tuy nhiên, những người mắc bệnh viêm cột sống dính khớp, gout, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp vảy nến, người cao tuổi, thừa cân béo phì... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người này nên chủ động phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng: Tăng cường các nhóm thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá mòi; hạt lanh, hạt chia, quả óc chó; dầu hạt cải, dầu đậu tương. Bổ sung nhóm thực phẩm tốt cho xương, giúp tạo xương, tăng cường sức mạnh, tăng mật độ xương như sữa ít béo, bông cải xanh, trà xanh, cam quýt. Nên uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày để mô khớp trơn tru và giảm ma sát khi vận động.
Hoạt động thể chất thường xuyên: Tập luyện thể thao giúp tăng cường lưu thông máu và chất dinh dưỡng đến các khớp, hỗ trợ khớp chắc khỏe hơn. Khi hệ thống cơ bắp và khớp hoạt động vừa phải có thể gia tăng sản sinh dịch khớp, ngăn ngừa viêm khớp do ma sát khi vận động, giúp khớp chuyển động trơn tru hơn. Bạn nên vận động cường độ vừa phải, 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Duy trì cân nặng lành mạnh: Thừa cân làm tăng áp lực lên các khớp, nhất là khớp vùng hông, đầu gối, phá hủy sụn khớp. Duy trì mức cân nặng hợp lý giúp ngăn ngừa viêm khớp.
Phi Hồng