Men gan là tên gọi chung của các loại enzym xúc tác các phản ứng chuyển hóa. Khi tế bào gan bị hủy hoại quá mức sẽ phóng thích các enzym này vào máu gây tăng men gan. BS.CKI Huỳnh Văn Trung (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) lưu ý các nguyên nhân làm tăng men gan để mọi người biết cách phòng tránh.
Sử dụng thực phẩm bẩn, nhiều chất béo
Hiện nay, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thực phẩm có thể nhiễm bẩn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi cho đến vận chuyển, chế biến, dự trữ. Thực phẩm còn chứa hóa chất tẩm ướp, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, hóa chất phẩm màu, chất phụ gia.... không tốt cho sức khỏe. Người ăn nhiều loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp chứa nhiều muối, chất bảo quản cũng khiến men gan tăng cao.
Uống nhiều bia, rượu
Bác sĩ Trung cho biết, rượu, bia là nguyên nhân gây tổn thương gan dẫn đến tăng men gan thường gặp nhất hiện nay. Người sử dụng rượu, bia thường xuyên, vượt mức cho phép có thể mắc các bệnh về gan như viêm gan do rượu, lâu dài dẫn đến xơ gan và cuối cùng có thể ung thư gan. Khi rượu bia vào cơ thể, chỉ có 10% lượng cồn được đào thải qua nước tiểu, hơi thở và mồ hôi, 90% còn lại sẽ đi thẳng vào gan. Tuy nhiên, khả năng khử các chất độc tại gan lại có giới hạn.
Chất cồn trong rượu bia chưa được xử lý làm gián đoạn quá trình chuyển hóa ở gan, từ đó thúc đẩy chuyển dịch các độc tố, vi khuẩn từ ruột vào gan. Điều này khiến người uống nhiều rượu bia dễ bị nhiễm độc, nhất là làm hoại tử tế bào gan, gây tăng men gan.
Mắc bệnh lý tại gan, đường mật và virus
Một số bệnh cấp tính như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết cũng có thể khiến men gan cao, nhất là sốt rét ác tính. Các bệnh lý về đường mật (viêm túi mật, sỏi mật, teo đường mật...), về gan như viêm gan tự miễn, viêm gan siêu vi A, B, C, E... cũng là nguyên nhân dẫn tới men gan cao.
Sử dụng thuốc
Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị cũng khiến men gan tăng bất thường như các thuốc kháng sinh, tim mạch, thuốc giảm đau, thuốc giảm mỡ máu, chống trầm cảm. Tình trạng tăng men gan do các loại thuốc điều trị này cũng nguy hiểm không kém nguyên nhân viêm gan do rượu, bia.
Gan nhiễm mỡ không do rượu
Bác sĩ Trung chia sẻ thêm, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) đang gia tăng trên thế giới và là nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh gan mạn tính. Tần suất mắc bệnh gia tăng ở nhóm người có các yếu tố như béo bụng, béo phì, đái tháo đường type 2 và rối loạn lipid máu. Gan nhiễm mỡ không do rượu nếu không phát hiện và điều chỉnh kịp thời có thể diễn tiến thành viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan nhiễm mỡ hay thậm chí ung thư gan.
Tăng men gan là dấu hiệu cảnh báo các tế bào gan đang viêm hoại tử, người bệnh cần được chăm sóc để điều chỉnh các nguyên nhân phù hợp. Nếu tình trạng viêm không kiểm soát tốt có thể tiến triển thành viêm gan cấp, thậm chí suy gan, lâu dài có thể dẫn đến xơ gan hay ung thư gan. Một số dấu hiệu nhận biết là đau hạ sườn phải, sẩn ngứa, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sốt, vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sậm... Tuy nhiên, các biểu hiện này thường không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Để kiểm soát men gan, mọi người cần chú ý chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo quản và chế biến vệ sinh, hạn chế sử dụng các đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ như pizza, khoai tây chiên, gà rán, tăng cường rau xanh và trái cây... Nam giới không nên uống quá 3 đơn vị rượu một ngày, nữ giới không quá 2 đơn vị rượu một ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị cồn nguyên chất tương đương 3/4 chai bia 330 ml (5%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%), một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Ăn uống khoa học, tăng cường thực phẩm tốt cho gan, theo dõi cân nặng và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) hợp lý; thận trọng khi sử dụng thuốc hoặc chất bổ sung; tiêm vaccine viêm gan virus A, B; tập thể thao hàng ngày giúp nâng cao sức khỏe. Khám sức khỏe định kỳ có thể phát hiện men gan cao kịp thời và bác sĩ có hướng hỗ trợ cải thiện, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Quyên Phan