Trả lời:
Gan đảm nhiệm vai trò phân giải chất độc về dạng không độc hoặc ít độc hơn để đào thải khỏi cơ thể qua hàng loạt phản ứng phức tạp. Khi uống nhiều bia rượu hay sử dụng các chất kích thích; lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng, ăn nhiều đồ ngọt, dầu mỡ..., gan phải làm việc nhiều hơn, thậm chí quá tải.
Lúc này, các chất độc hại tấn công gan liên tục, kích hoạt quá mức các tế bào kupffer làm nhiệm vụ miễn dịch trong các xoang gan (nơi dẫn máu ra vào gan). Sự kích hoạt quá mức này gây phóng thích các chất gây viêm như interleukin, TNF-α, TGF-β... khiến tế bào gan bị tổn thương trên diện rộng, từ đó suy giảm chức năng giải độc. Chất độc tích tụ trong gan dẫn tới nhiều bệnh lý như: gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra còn nguyên nhân khác gây tổn thương gan nghiêm trọng là nhiễm virus viêm gan. Tại Việt Nam, rất nhiều người mắc viêm gan B, C.
Khi gan bị nhiễm độc, suy giảm chức năng, người bệnh thường có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi; nước tiểu vàng sẫm; có thể sợ mùi thức ăn, nhất là thức ăn dầu mỡ; đau tức hạ sườn phải; rối loạn tiêu hóa; hơi thở có mùi hôi; da và võng mạc mắt chuyển màu vàng.
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc nam, các bài thuốc cây lá lưu truyền trong dân gian để giải độc gan. Một số loại thuốc nam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan như cà gai leo, atiso, diệp hạ châu, nhân trần, mã đề, hoa cúc, mật nhân, cỏ nhọ nồi, diếp cá, rau má, đậu đen, râu ngô... Song, người sử dụng thuốc nam cần cẩn trọng do có thể bị tác dụng ngược.
Các loại thuốc nam có thể chứa những hoạt chất trị bệnh nhưng cũng có thể chứa chất không có tác dụng, nếu sử dụng nhiều làm tăng áp lực đào thải lên gan. Nhiều trường hợp dùng hàng ngày, liên tục trong thời gian dài khiến gan suy yếu, nhiễm độc, thậm chí teo gan... Do vậy, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng bệnh, với liều lượng thích hợp theo chỉ dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.
Các loại thuốc nam được sản xuất, chế biến bằng phương pháp thủ công, dễ bị hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Một số trường hợp người bán lạm dụng chất bảo quản độc hại như lưu huỳnh xông khô để chống nấm mốc, có thể gây rối loạn tiêu hóa, suy gan, suy thận, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu sử dụng nhiều. Những loại thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể chứa hàm lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu tồn dư, dễ gây ngộ độc.
Thông thường, với người khỏe mạnh không có tổn thương gan mật, không sử dụng bia rượu, không cần thiết phải dùng thuốc thải độc gan. Do đây là bộ phận có khả năng tái tạo, tự chữa lành, tự thải độc qua hệ thống bài tiết rất tốt. Với người có bệnh lý về gan, phần lớn gan tự phục hồi nếu lượng chất độc vào gan giảm đi, do lúc này các tế bào kupffer đã được kiểm soát.
Bệnh nhân viêm gan virus B, C mạn tính nếu phải dùng thuốc, cần uống thuốc kháng virus đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế các biến chứng của bệnh. Trường hợp mắc bệnh gan do rượu phải bỏ rượu bia mới có thể cải thiện chức năng gan. Uống thuốc nam thải độc gan, bổ gan không có tác dụng chữa các bệnh lý này. Người mắc xơ gan, ung thư gan cần có phác đồ điều trị riêng từ bác sĩ chuyên khoa, nếu tự ý sử dụng các loại thuốc nam có thể làm giảm hiệu quả điều trị.
Bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa - gan mật để siêu âm gan, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, kiểm tra tình trạng tổn thương của gan, có phơi nhiễm virus viêm gan hay không... để được bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Những biện pháp cải thiện sức khỏe lá gan, không cần dùng thuốc mà bạn có thể áp dụng như sinh hoạt lành mạnh; duy trì cân nặng hợp lý; ăn nhiều rau xanh và chất xơ, tránh đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, chứa nhiều chất béo không bão hòa như snack, bánh ngọt, mì ăn liền... Ngừng sử dụng bia rượu, tránh thức khuya, không ăn mặn, tập thể dục thường xuyên, bỏ hút thuốc lá và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc cũng là cách giảm tải chất độc nạp vào gan.
Nếu có nhu cầu sử dụng các thuốc hỗ trợ giải độc gan, bạn nên chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nghiên cứu khoa học chứng minh tính hiệu quả, nghiên cứu lâm sàng về độ an toàn. Trước khi sử dụng bất kể loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe.
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội