Ngày 26/12, TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ổ cối khớp háng nhân tạo ở chân phải của ông Nam đã phá hủy xương chậu, di lệch vào trong ổ bụng. Trong khi đó, phần chui khớp của chân trái lún xuống, khiến người bệnh đau dữ dội, chiều dài hai chân chênh lệch nhiều.
Tuổi thọ khớp háng nhân tạo có thể kéo dài 20-30 năm, song trường hợp ông Nam thời gian này bị rút ngắn nhiều. "Nguyên nhân có thể do kỹ thuật mổ 10 năm trước chưa hiệu quả, sinh hoạt và chăm sóc sau phẫu thuật không đúng cách, chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý khác", bác sĩ Tuấn giải thích. Người bệnh cần được thay lại hai khớp háng một lần nữa để khôi phục khả năng vận động, tránh nguy cơ tàn phế, dù phương pháp này có nguy cơ biến chứng cao do tuổi tác và chất lượng xương suy giảm.
Ông Nam được mổ thay lại khớp háng bên trái trước. Bác sĩ sử dụng khớp háng nhân tạo toàn phần dạng modular. Đặc điểm của khớp này là có thể tăng giảm chiều dài và chiều rộng của phần chui để vừa với lòng tủy xương, nhờ đó cố định, ngăn ngừa tình trạng lún sụt chui sau này.
Một tháng sau, ông Nam được thay lại khớp cho chân phải. Lần này, người bệnh được thay khớp háng toàn phần dạng chui dài, ổ cối có bắt vít để tránh dịch chuyển khớp. Phần xương chậu, xương ổ cối bị mất đi cũng được tái tạo lại bằng cách ghép xương nhân tạo.
Tái khám sau một tháng, ông không còn đau, có thể đi lại thoải mái, chiều dài hai chân cân bằng, hết đau. Sau khi thay khớp, ông vẫn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong sinh hoạt, tập luyện và tái khám định kỳ để kéo dài tuổi thọ của khớp.
Theo bác sĩ Tuấn, thay lại khớp háng là kỹ thuật khó và phức tạp, đòi hỏi bác sĩ lên kế hoạch chi tiết trước mổ. Phần mềm sẹo co kéo, xơ dính, xương đùi và ổ cối có thể bị loãng xương, khuyết, biến dạng so với giải phẫu ban đầu. Trong quá trình phẫu thuật, cần đảm bảo lấy khớp cũ ra nhưng hạn chế tối đa tổn thương các cấu trúc xương, gân, cơ.... Bác sĩ cần đặt được khớp háng nhân tạo mới vào đúng vị trí phù hợp, đảm bảo chức năng vận động và tránh nguy cơ trật khớp về sau, đề phòng cũng như xử lý các biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, gãy xương... Do đó, người bệnh nên thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở y tế có chuyên môn và được trang bị đầy đủ dụng cụ chuyên biệt.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |