Trả lời:
Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp can thiệp phẫu thuật nhằm thay thế các cấu trúc bị hư hỏng, tổn thương của khớp háng tự nhiên bằng các vật liệu nhân tạo. Cấu tạo khớp háng nhân tạo rất đa dạng, bao gồm nhiều hình dạng và vật liệu khác nhau như kim loại, titanium, xi măng, ceramic...
Khớp háng nhân tạo thường có tuổi thọ khoảng 15-20 năm. Tuy nhiên, bạn có thể kéo dài thời gian sử dụng khớp nhân tạo bằng một số thói quen sinh hoạt khoa học như sau:
Phục hồi chức năng và tái khám định kỳ: Những tác nhân vật lý như tia laser, sóng xung kích, các loại máy móc thiết bị chuyên dụng và bài tập thể chất được thiết kế riêng giúp người bệnh đẩy nhanh tốc độ hồi phục, kéo dài tuổi thọ khớp nhân tạo. Người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám để bác sĩ kịp thời phát hiện các bất thường nếu có và nhanh chóng xử lý.
Tập thể dục phù hợp theo chỉ định của bác sĩ: Mục tiêu là duy trì cân nặng phù hợp, giảm áp lực đè nặng lên xương khớp, tăng tuổi thọ khớp nhân tạo. Ngược lại, nếu vận động quá sớm hoặc quá mức có thể làm cho sụn khớp nhân tạo nhanh bị mài mòn, giảm tuổi thọ khớp.
Dinh dưỡng khoa học: Sau khi thay khớp háng, hệ xương khớp vẫn tiếp tục suy giảm chất lượng do thoái hóa tự nhiên của cơ thể theo thời gian. Người bệnh nên ăn uống khoa học, tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, collagen... để kiểm soát sự mất xương, nhất là ở phần xương xung quanh khớp nhân tạo. Đây là phần xương chịu trách nhiệm giữ khớp ở đúng vị trí, giúp cơ thể khôi phục khả năng vận động như bình thường.
Khớp nhân tạo có tuổi thọ nhất định. Vì vậy, hạn chế mất xương còn giúp người bệnh có đủ khối lượng xương để thay khớp lần sau (nếu cần) mà không cần ghép xương hoặc phải sử dụng các thiết kế khớp bù xương khác đắt tiền hơn.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học
Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |