Ngày 18/10, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bà Hương có những biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng, đau khớp gối nhiều và thường xuyên. Ảnh chụp X-quang chi dưới cho thấy khe khớp chưa đến mức hẹp hoàn toàn cần phẫu thuật. Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ ghi nhận toàn bộ chiều dày lớp sụn khớp ở ngăn trong khớp gối bị mòn hoàn toàn, sụn chêm rách thoái hóa. Ngăn khớp ngoài và phía trước cũng như toàn bộ hệ thống dây chằng của khớp gối còn nguyên vẹn, bác sĩ chỉ định điều trị bằng phương pháp thay khớp một ngăn.
Bác sĩ Quyền giải thích khớp gối của con người có ba ngăn gồm ngăn phía trong, phía ngoài và phía trước (bánh chè đùi). Bệnh nhân này thoái hóa khớp chỉ khu trú ở một ngăn của khớp, các phần còn lại của khớp đều nguyên vẹn, nên thay khớp một ngăn là lựa chọn tối ưu.
Khi phẫu thuật, bác sĩ chỉ rạch một đường mổ nhỏ nằm ngang theo khe khớp thay vì rạch một đường dọc dài như thông thường gây nguy cơ tổn thương nhánh thần kinh nhỏ nằm sát xương bánh chè. Qua đường mổ ít xâm lấn, với sự hỗ trợ của hệ thống nội soi, bác sĩ chỉ cần cắt bỏ 2-3 mm lớp sụn khớp bị hư, sau đó thay thế bề mặt khớp bằng một lớp sụn kim loại, phục hồi chính xác hình dáng ban đầu của khớp.
Cách này giúp bảo tồn toàn bộ cơ, dây chằng và cấu trúc tự nhiên của khớp gối. Sau mổ một ngày, bà Hương phục hồi tốt, có thể gấp gối gần tối đa, dáng đi gần như bình thường.
Theo bác sĩ Quyền, thoái hóa khớp gối là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất. Hầu hết bệnh nhân đến khám khi tình trạng đã nặng, tổn thương hết cả ba ngăn của khớp gối, phải phẫu thuật thay khớp khi điều trị bảo tồn thất bại. So với thay khớp toàn phần, phẫu thuật thay khớp một ngăn có ưu điểm ít xâm lấn, giúp giảm một nửa biến chứng và tăng tốc độ phục hồi gấp đôi. Một khi được cấy ghép chính xác, chỉ định ở bệnh nhân phù hợp, hơn 95% khớp gối một ngăn sẽ có tuổi thọ trên 10 năm.
Thay toàn bộ khớp gối chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân thoái hoá khớp hoặc mắc các bệnh lý viêm khớp đã tiến triển đến giai đoạn cuối, toàn bộ bề mặt sụn khớp mất đi, khớp bị phá hủy biến dạng nghiêm trọng.
Bác sĩ Quyền khuyến cáo sau thay khi khớp gối, người bệnh nên kết hợp vật lý trị liệu để nhanh hồi phục. Khi lấy lại được tầm hoạt động, người bệnh có thể tham gia những hoạt động thể chất cường độ thấp như đi bộ, yoga, thái cực quyền... Nên tránh những môn tập luyện cường độ cao như bóng đá, bóng chuyền... Người bệnh nên kiểm tra khớp định kỳ để duy trì độ bền, phát hiện và xử trí khi có dấu hiệu bất thường, đảm bảo chất lượng sống.
Vân Anh
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |