Phình động mạch chủ: Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận nhiệm vụ mang máu từ tim đến các cơ quan khác. Phình động mạch chủ là tình trạng thành động mạch yếu đi và phình ra tạo thành một khối chứa đầy máu. Có hai loại phình động mạch chủ, ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể là phình động mạch chủ bụng và phình động mạch chủ ngực.
Đàn ông trên 65 tuổi có nguy cơ mắc phình động mạch chủ cao hơn. Phình động mạch chủ ngực xảy ra ở nam và nữ như nhau, tăng theo độ tuổi. Chấn thương như do tai nạn ô tô có thể làm hỏng thành động mạch chủ và dẫn đến phình động mạch chủ ngực. Phình động mạch bụng hình thành ở phần động mạch chủ nằm ở bụng, cũng phổ biến hơn ở nam giới và người từ 65 tuổi trở lên.
Phình động mạch não: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở người 35-60 tuổi, thường phát triển sau tuổi 40. Phụ nữ bị phình động mạch não nhiều hơn nam giới, tỷ lệ 3:2. Độ tuổi đột quỵ xuất huyết do phình động mạch trung bình khoảng 50. Bệnh có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Người có bất thường ở thành động mạch bẩm sinh và mắc một số bệnh di truyền có nhiều khả năng phình động mạch não. Tình trạng này gồm hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Marfan, bệnh tạo xương không hoàn hảo, bệnh Moyamoya, chứng loạn sản sợi cơ và bệnh u xơ thần kinh.
Người bệnh thận đa nang, bị một số rối loạn tuần hoàn như dị dạng động tĩnh mạch, ung thư đầu và cổ có nguy cơ phình động mạch não cao hơn.
Dưới đây là các yếu tố nguy cơ của các loại phình động mạch.
Hút thuốc
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất gây phình động mạch, nhất là phình động mạch chủ bụng.
Hút thuốc có thể phá hủy thành động mạch và lớp lót. Theo thời gian, mảng bám và cục máu đông hình thành làm cho thành mạch yếu dẫn đến động mạch bị phình. Người đang hút thuốc và có tiền sử hút thuốc đều có nguy cơ bị phình động mạch và vỡ.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao, khoảng 130/80 mmHg trở lên. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết dưới nhện (chảy máu đột ngột vào trong khoang dưới nhện - khu vực giữa não bộ và các màng bao phủ xung quanh), xảy ra khi phình động mạch não bị vỡ.
Chảy máu có thể làm tổn thương não và dẫn đến đột quỵ xuất huyết, gây yếu hoặc tê liệt cánh tay, chân, các vấn đề về thị lực, co giật và khó nói hoặc khó hiểu ngôn ngữ.
Xơ vữa động mạch
Tình trạng này phát triển do sự tích tụ của một chất sáp gọi là mảng bám trong động mạch. Khi mảng bám tích tụ quá nhiều sẽ cứng lại và thu hẹp các động mạch, đồng thời hạn chế lưu lượng oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác của cơ thể.
Bệnh động mạch vành (xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch cung cấp máu cho tim) và đột quỵ là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp và làm viêm mạch máu, dẫn đến tăng nguy cơ phình động mạch não.
Nhiễm trùng
Phình động mạch nấm thường do vi khuẩn gây ra, bắt nguồn từ tim và khiến thành động mạch nhiễm trùng và giãn ra. Ví dụ viêm nội tâm mạc, viêm mạch máu và bệnh giang mai không được điều trị.
Tiền sử gia đình
Người có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn và có thể phát triển thành phình động mạch trước 65 tuổi.
Theo Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương, Mỹ, người có hai người thân trở lên bị phình động mạch chủ bụng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 12-15%. Người có từ hai người thân trở lên bị xuất huyết dưới nhện có nguy cơ phình động mạch 6-20%.
Van động mạch chủ hai mảnh
Van động mạch chủ cho phép máu chảy từ tim đến động mạch chủ và ngăn máu chảy ngược từ động mạch chủ về tim. Van động mạch chủ bình thường có ba lá van để cho dòng chảy này đi qua nhưng van động mạch chủ hai mảnh chỉ có hai lá. Người bị van động mạch chủ hai mảnh có nguy cơ phình động mạch ngực cao hơn do động mạch chủ yếu.
Ăn nhiều chất béo
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và và cholesterol có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và cao huyết áp dẫn đến phình động mạch.
Béo phì
Thừa cân hoặc béo phì gây áp lực lên tim và thành động mạch, làm tăng nguy cơ phình động mạch.
Trong não, phình động mạch nhỏ có đường kính dưới 10 mm, lớn có đường kính 10-25 mm và rất lớn khi hơn 25 mm. Chứng phình động mạch càng lớn thì nguy cơ vỡ càng cao và kết quả điều trị kém nhất.
Phình động mạch ở phần trước của não hoặc tuần hoàn phía trước não có nguy cơ vỡ thấp hơn phình động mạch nằm ở phía sau hoặc tuần hoàn phía sau của não. Chứng phình động mạch nằm trên động mạch nền, gần thân não ở đáy hộp sọ, rất khó phẫu thuật và có tỷ lệ tử vong cao.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |