Bà điều trị nội khoa ở một bệnh viện không khỏi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Kết quả chụp CT sọ não và chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) phát hiện túi phình động mạch cảnh trong bên phải.
Ngày 20/12, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết túi phình nằm ở vị trí mấu giường, kích thước gần 1 cm. Mấu giường là một phần của xương bướm, nằm giữa nền sọ, gần với cấu trúc não giữa.
Bác sĩ Tấn Sĩ đánh giá túi phình ở vị trí mấu giường rất khó tiếp cận và phẫu thuật, nhất là rủi ro chảy máu ồ ạt. Can thiệp nội mạch thường được ưu tiên áp dụng để bít tắc túi phình ở vị trí này. Tuy nhiên, trường hợp bà Nhan có túi phình và cổ túi phình quá rộng, lưu lượng máu chảy qua nhiều và mạnh nên can thiệp nội mạch khó thành công.
"Nếu không phẫu thuật, túi phình có thể vỡ đột ngột, khó xử lý", bác sĩ Tấn Sĩ nói, thêm rằng khi túi phình vỡ, cơ thể tự kích hoạt co thắt động mạch cảnh để cầm máu. Tình trạng này dễ dẫn tới thiếu máu não trầm trọng, gây đột quỵ nhồi máu não, đe dọa tính mạng người bệnh.
Bà Nhan được phẫu thuật loại bỏ túi phình mạch máu não bằng hệ thống kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900 tích hợp chức năng chụp huỳnh quang 3D thế hệ mới.
Trước khi mổ, các bác sĩ mở một đường bên phải cổ người bệnh, bộc lộ góc động mạch cảnh trong. Mục đích là dự phòng túi phình bị vỡ trong quá trình phẫu thuật để kịp thời kiểm soát cầm máu từ xa, tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt.
Các bác sĩ mở hộp sọ, sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng để mài và cắt xương, bộc lộ túi phình. Ngay lập tức, người bệnh được tiêm thuốc huỳnh quang lần một, hòa vào dòng tuần hoàn máu. Nhờ tính năng chụp huỳnh quang 3D của hệ thống kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900, toàn bộ cấu trúc túi phình và động mạch cảnh được nhuộm màu xanh và hiện rõ. Nhờ vậy, bác sĩ dễ dàng thao tác kẹp ngang cổ túi phình bằng loại vật liệu chuyên biệt.
Do phẫu trường tại vị trí mấu giường rất hẹp, mặt sau của túi phình vẫn bị che khuất bởi xương sọ nên các bác sĩ phải tiêm thuốc huỳnh quang cho người bệnh lần hai. Đồng thời, kết hợp đưa thiết bị nội soi vào phía sau túi phình để quan sát, đánh giá lại toàn bộ túi phình và cấu trúc não xung quanh, tiến hành kẹp loại bỏ phần còn lại của túi phình thành công.
Sau mổ, cổ túi phình được kẹp kín, túi phình được loại bỏ ra khỏi vòng tuần hoàn máu não, không làm tổn thương các mạch máu não, bó sợi thần kinh và mô não lân cận.
Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe bà Nhan ổn định, hết đau đầu, đi đứng, nói chuyện, ăn uống và sinh hoạt bình thường. Nếu không có vấn đề phát sinh, bà có thể xuất viện trong hai ngày tiếp theo.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thông thường nếu túi phình ở vị trí mấu giường có kích thước nhỏ hơn 0,4 cm, không có nguy cơ vỡ, người bệnh không xuất hiện triệu chứng nguy hiểm thì không nên can thiệp. Khi đó, người bệnh được chụp chiếu theo dõi định kỳ. Nếu túi phình lớn lên, có nguy cơ vỡ, bác sĩ mới can thiệp nội mạch hoặc mổ cho bệnh nhân.
Trường Giang
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |