Cơ thể có khả năng điều hòa thân nhiệt ở một giới hạn nhất định nhằm thích ứng với môi trường xung quanh. Khi tiếp xúc với nắng nóng, cơ thể thường có phản ứng để làm giảm nhiệt độ như giãn nở mạch máu, tiết nhiều mồ hôi. Nếu cơ thể không thích ứng kịp với sự thay đổi của môi trường bên ngoài, nhiệt độ tăng nhanh và không thể hạ. Tình trạng này gây mất nước, rối loạn điện giải, dẫn đến say nắng.
Say nắng khiến hệ thần kinh trung ương bị rối loạn, mất kiểm soát. Lúc này, người bệnh có thể bị rối loạn hệ hô hấp, thần kinh, tuần hoàn. Ở mức độ nhẹ, người bệnh thường mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, thở nhanh, tăng nhịp tim, hồi hộp, đánh trống ngực, chuột rút, da ửng đỏ.
Tình trạng tiến triển nặng gây đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu, hôn mê, tim đập nhanh, tụt huyết áp... Nếu không kịp thời điều trị có thể khiến não, các cơ quan nội tạng khác bị tổn thương không thể hồi phục, tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn cách xử trí khi có người say nắng, say nóng.
Khi một người có dấu hiệu say nắng, người xung quanh nên gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp 115 hoặc y tế địa phương. Trong thời gian đợi xe cứu thương, nên chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; không vây quanh nhiều người. Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo không cần thiết. Sau đó lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc dội nước mát và lau khô. Đặt khăn thấm nước mát tại nách, bẹn, hai bên cổ, giúp giảm nhanh nhiệt độ cơ thể. Chườm đá có thể làm nhiệt độ hạ nhanh nhưng dễ khiến co mạch ngoài da.
Nếu người bệnh tỉnh táo có thể cho uống từng ngụm nhỏ nước mát, tốt nhất là uống nước bổ sung muối, khoáng chất như oresol pha đúng hướng dẫn để bù điện giải. Xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút khi bệnh nhân có biểu hiện chuột rút. Trường hợp người bệnh bất tỉnh, không có dấu hiệu tuần hoàn như thở, ho hoặc cử động, cần thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn và hô hấp nhân tạo ngay.
Để đề phòng say nắng và nguy cơ đột quỵ do nắng nóng mùa hè, bác sĩ Hậu khuyến cáo hạn chế ra ngoài trời nắng to, nhất là khoảng thời gian 10h đến 16h. Tạo không gian thoáng mát trong nhà bằng cách buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng lúc nóng nhất trong ngày.
Người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Nên tắt điều hòa hoặc tăng nhiệt độ điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20-30 phút, đứng trước cửa vài phút cho quen dần với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.
Nên bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên trước khi ra đường khoảng 30 phút; mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi tốt; sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân như mũ, nón, kính, khẩu trang. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, nhất là vùng vai gáy. Dành thời gian ngồi nghỉ trong bóng mát để giảm ảnh hưởng của nhiệt độ lên cơ thể.
Người phải làm việc ngoài trời khi chỉ số nhiệt lên cao nên bố trí thời gian làm việc vào những thời điểm mát mẻ trong ngày như sáng sớm hoặc chiều muộn. Không làm việc quá lâu hoặc vận động thể lực quá mức trong môi trường nóng bức. Nên dành thời gian nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng 15-20 phút sau khoảng 45 phút đến một giờ làm việc.
Thực hiện các biện pháp làm mát nơi làm việc như sử dụng mái che, tấm phản chiếu nhiệt, lắp đặt vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, điều hòa, quạt thông gió phù hợp.
Tình trạng say nắng xảy ra tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể và giới hạn chịu đựng với môi trường của mỗi người. Mức độ bệnh phụ thuộc vào tuổi, bệnh lý kèm theo. Thông thường, người trưởng thành khỏe mạnh có sức chịu đựng tốt nhất. Trái lại, người cao tuổi, trẻ em, thai phụ, người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tiểu đường... có sức chịu đựng kém hơn, nguy cơ cao bị say nắng, say nóng ngày hè.
Người làm việc, luyện tập cường độ cao ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức như lao động nông nghiệp, công nhân làm việc tại các lò gạch, lò luyện gang thép, xây dựng công trình... cũng cần cẩn trọng.
Để phòng say nắng, người trưởng thành cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước nước lọc, nước trái cây hoặc nước ép rau củ mỗi ngày, chia thành nhiều lần trong ngày. Uống khoảng 700 ml nước trước khi tập thể dục hai giờ, có thể bổ sung thêm 250 ml nước hoặc thức uống thể thao ngay trước khi tập. Trong khi tập, nên uống thêm 250 ml nước sau mỗi 20 phút, ngay cả khi không cảm thấy khát. Oresol là thức uống có khả năng bù điện giải tốt cho người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
Người có bệnh nền tim mạch, động kinh, thận, gan... đang ăn kiêng hạn chế chất lỏng hoặc cơ thể có vấn đề về giữ nước cần tư vấn bác sĩ trước khi tăng lượng nước cho cơ thể. Không uống đồ uống chứa cồn, caffeine do có thể khiến tình trạng mất nước trầm trọng hơn.
Trịnh Mai