Trong những ngày nắng nóng, nhiều nơi, nhiều người sử dụng máy lạnh liên tục, để nhiệt độ thấp. Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết không khí lạnh, khô trong môi trường điều hòa có thể ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Khi hít phải luồng không khí này, các xoang tĩnh mạch dưới lớp niêm mạc có thể căng phồng, gây nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi. Người sử dụng điều hòa liên tục trong thời gian dài có thể bị co thắt phế quản, gây ra ho, khó thở. Người mắc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có thể khởi phát đợt cấp nếu sử dụng điều hòa làm mát không đúng cách.
Bác sĩ Thành Đô lưu ý những thói quen sử dụng điều hòa nên tránh để hạn chế lây nhiễm các bệnh lý đường hô hấp.
Bật điều hòa ở mức nhiệt quá thấp
Khi bật điều hòa ở mức nhiệt quá lạnh, các động mạch trên da sẽ co lại để giữ cho cơ thể không bị mất nhiệt. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tế bào bạch cầu có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh từ môi trường, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh. Môi trường quá lạnh làm khô niêm mạc đường hô hấp, giảm khả năng ngăn chặn virus, vi khuẩn gây bệnh. Sự chênh lệch nhiệt độ phòng và nhiệt độ môi trường quá lớn còn gây cảm lạnh hoặc khởi phát cơn hen ở người bệnh hen suyễn.
Theo bác sĩ Thành Đô, không nên để nhiệt độ điều hòa quá chênh lệch với nhiệt độ môi trường, tốt nhất chỉ nên chênh khoảng 7 độ C. Ngoài ra, có thể sử dụng kèm quạt để tăng cảm giác mát mà không cần đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp. Với gia đình có trẻ nhỏ, không nên để nền nhiệt điều hòa liên tục trong thời gian dài mà cần đặt chế độ hẹn giờ từ 2-3 giờ đồng hồ rồi chuyển sang chế độ quạt gió thông thường.
Liên tục đóng kín cửa phòng điều hòa
Điều hòa không làm mát không khí nóng từ bên ngoài mà thay vào đó, không khí trong nhà được tuần hoàn để giữ mát. Điều này dẫn đến việc trao đổi không khí giảm đáng kể, làm tăng nồng độ chất ô nhiễm, khí CO2 và các tác nhân truyền nhiễm bệnh hô hấp.
Nghiên cứu cho thấy người làm việc trong các tòa nhà có điều hòa không khí có nhiều vấn đề về hô hấp (ngứa mũi, khó thở) hơn người làm việc trong các tòa nhà có hệ thống thông gió tự nhiên. Ngồi lâu trong phòng điều hòa có thể bị mệt mỏi, khó thở do thiếu khí, đồng thời làm giảm khả năng chịu nhiệt của cơ thể.
Bác sĩ Thành Đô khuyên các gia đình nên mở cửa 1-2 tiếng vào sáng sớm hoặc chiều muộn và bật quạt điện để tăng lưu thông khí, hoặc lắp thêm quạt thông gió để lấy không khí mới, làm loãng chất gây dị ứng. Ban ngày không nên ngồi trong phòng điều hòa hơn 4 giờ liên tục, nên ra ngoài đi dạo, vận động để giải tỏa căng thẳng, tăng trao đổi khí, giúp phổi khỏe mạnh.
Không vệ sinh điều hòa thường xuyên
Quá trình làm mát không khí nóng tạo ra nhiều hơi ẩm, nước ngưng tụ trong hệ thống màng lọc và ống dẫn nước thải. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, môi trường ẩm ướt, bụi bặm trong bộ lọc là điều kiện lý tưởng cho các loại virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh hô hấp phát triển. Do đó người dùng nên chú ý vệ sinh điều hòa định kỳ từ 3 đến 6 tháng một lần để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc tích tụ trong máy.
Không kiểm soát độ ẩm
Máy điều hòa không khí hút hơi ẩm ra khỏi phòng để giảm độ ẩm và làm mát, khiến cơ thể bị mất nước, làm khô niêm mạc, ảnh hưởng tới đường thở. Theo bác sĩ Thành Đô, độ ẩm lý tưởng cho đường thở là khoảng 40-70%, cao hơn hoặc thấp hơn mức này đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Để đảm bảo độ ẩm phù hợp, bạn nên dùng thêm máy tạo độ ẩm bật ở mức làm ẩm nhẹ, không để độ ẩm lớn dễ gây viêm đường hô hấp. Mặt khác, mỗi người nên uống thêm nước lọc, nước trái cây hoặc nước khoáng để bổ sung nước cho cơ thể.
Để gió thổi vào đầu
Hướng điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu dễ gây ngạt mũi, khó thở, tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp. Bạn nên điều chỉnh hướng gió thổi lên vị trí cao ở chế độ đảo chiều liên tục. Khi ngủ, nên mặc quần áo thấm mồ hôi tốt, đắp một tấm chăn mỏng che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở có thể gây cảm lạnh.
Trịnh Mai