Vào đầu tháng 2, ông Nguyễn Văn Chung (52 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, run tay chân, bụng chướng đau, da sạm đen và nổi nhiều sao mạch ở vùng cổ và ngực, hai lòng bàn tay đỏ ửng. Ông Chung chia sẻ, nhiều năm nay ngày nào cũng uống khoảng một lít rượu vì ở nhà nhàn rỗi, không có công việc. Gia đình khuyên ngăn nhiều lần nhưng ông không bỏ được. Ông thường uống rượu vào mỗi bữa cơm hoặc cứ mỗi khi buồn miệng lại thêm vài chén.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, người bệnh không mắc viêm gan virus nhưng xét nghiệm thấy men gan tăng cao, trong đó, có men GGT thường tăng khi bị ngộ độc rượu mạn tính. Trên siêu âm, bác sĩ phát hiện gan trái người bệnh phì đại trong khi gan phải lại teo nhỏ, bờ gan không đều, nhu mô gan thô. Bệnh nhân bị xơ gan do rượu và được kê thuốc hỗ trợ chức năng gan, hỗ trợ dinh dưỡng.
Sau hai tuần nằm viện điều trị, ông đỡ mệt, hết đổ mồ hôi, ăn uống ngon miệng hơn, tỉnh táo và được xuất viện. Bác sĩ dặn dò ông tái khám đều đặn theo lịch hẹn. Điều kiện tiên quyết là ông phải bỏ rượu, kết hợp với ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để góp phần hồi phục gan. Nếu tiếp tục uống rượu, xơ gan có thể tiến triển thành ung thư gan. Theo Tiến sĩ Khanh, dù được nhắc nhở, không hiếm trường hợp bệnh nhân bị nghiện rượu vẫn lén uống khiến việc điều trị khó khăn.
Trong các tháng đầu năm, dịp Tết, số ca mắc bệnh gan liên quan đến rượu bia thường cao hơn. Uống nhiều thức uống có cồn khiến tế bào gan bị hoại tử, thoái mỡ, xơ hóa, gây ra nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nặng gồm viêm gan, xơ gan do rượu, nhất là ung thư gan. Nếu người bệnh nhiễm virus viêm gan B hoặc C làm tăng nguy cơ tổn thương gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Theo bác sĩ, trước kia, xơ gan chủ yếu do viêm gan virus thì nay rượu bia trở thành nguyên nhân chính.
Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ khuyến cáo, nam giới không nên uống quá hai đơn vị rượu mỗi ngày và một đơn vị rượu với nữ giới (một đơn vị tương đương lượng cồn của một lon bia 330 ml loại 5 độ).
Bác sĩ khuyến cáo người uống rượu, bia nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, tầm soát ung thư gan, sàng lọc virus viêm gan B, C. Hiện nay, nhiều kỹ thuật như siêu âm gan, chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính, xét nghiệm chức năng gan, sinh thiết gan... có thể phát hiện ung thư gan từ rất sớm. Ở giai đoạn đầu, ung thư gan có thể điều trị triệt để bằng các phương pháp đốt sóng cao tần, phẫu thuật.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
Hoài Phạm
Lúc 20h ngày 28/2, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh gan do rượu và vai trò tầm soát sớm K gan", phát trên fanpage VnExpress. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội gồm BS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa; TS.BS Nguyễn Duy Trinh, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp; TS.BS Trần Hải Bình, Phó trưởng khoa Ung bướu. Các bác sĩ sẽ chia sẻ cách phòng ngừa, xử trí bệnh gan do rượu, phục hồi gan bị tổn thương, các phương pháp tầm soát và điều trị ung thư gan hiệu quả hiện nay. Độc giả có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia tại đây. |