Xơ gan là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa (tạo sẹo) ở gan do nhiều tác nhân khác nhau gây ra, chẳng hạn như viêm gan virus và nghiện rượu mạn tính. Gan sẽ cố gắng tự phục hồi sau mỗi lần bị tổn thương. Quá trình phục hồi này sẽ hình thành các mô sẹo, tổn thương càng kéo dài, càng nhiều mô sẹo được hình thành.
![Hình minh họa tình trạng xơ gan. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/10/xo-gan-la-gi-6427-1646884641.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ONyxtELm3rQDjWQaUZdxZA)
Hình minh họa tình trạng xơ gan. Ảnh: Shutterstock
Bất cứ ai cũng đều có thể bị xơ gan. Tuy nhiên, các đối tượng có khả năng mắc bệnh cao hơn như nghiện rượu, bị viêm gan siêu vi, mắc bệnh tiểu đường, béo phì, tiêm chích ma túy, sử dụng chung bơm kim tiêm, có tiền sử mắc các bệnh về gan, quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, hai nguyên nhân phổ biến nhất viêm gan virus và lạm dụng rượu kéo dài.
Viêm gan virus
Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, viêm gan virus mãn tính đang chiếm tỷ lệ cao nhất về nguyên nhân gây xơ gan tại Việt Nam. Viêm gan B và C có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Hiện tại, tỷ lệ người mắc viêm gan B và C ở Việt Nam rất cao.
Xơ gan do lạm dụng rượu
Lạm dụng rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan. Khi rượu được đưa vào cơ thể sẽ làm tổn hại các tế bào gan một cách từ từ. Ban đầu, rượu có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, sau đó là viêm gan mạn tính và cuối cùng là xơ gan.
![Hạn chế uống rượu để ngăn ngừa xơ gan. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/10/phong-ngua-xo-gan-8813-1646884641.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rY_QA06zzGvDifG8OcgUEQ)
Hạn chế uống rượu để ngăn ngừa xơ gan. Ảnh: Shutterstock
Các nguyên nhân xơ gan khác
Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: là dạng viêm gan liên quan đến thừa cân, béo phì, gan thấm mỡ và tiểu đường type 2.
Viêm gan tự miễn: là tình trạng mà hệ thống miễn dịch của cơ thể quay sang tấn công các mô gan khỏe mạnh, khiến gan bị tổn thương.
Lạm dụng thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn có thể dẫn đến xơ gan.
Xơ gan do ký sinh trùng: amip, ký sinh trùng sốt rét và sán lá gan là những loại ký sinh trùng thường gặp nhất gây nên các tổn thương tế bào gan và dẫn đến xơ gan.
Một số các tình trạng di truyền: bệnh Wilson, thiếu alpha-1 antitrypsin, hemochromatosis, hội chứng Alagille, các bệnh về dự trữ glycogen... có thể gây xơ gan.
Xơ gan do các bệnh làm tổn thương hoặc tắc nghẽn ống dẫn mật trong gan: viêm đường mật, tắc ống mật, ung thư đường mật...
Xơ gan do ứ đọng máu kéo dài: bệnh suy tim, viêm tắc tĩnh mạch trên gan.
Các triệu chứng của xơ gan phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Bác sĩ Thành cho biết, trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc nếu có thì rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Các dấu hiệu ban đầu bao gồm: cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn, sốt nhẹ, giảm cân không chủ ý
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng xơ gan nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện, bao gồm: vàng da, vàng mắt, ngứa da, sạm da, dễ bị bầm tím và chảy máu, lòng bàn tay đỏ rực lên (bàn tay son), xuất hiện nhiều nốt giãn mạch màu đỏ trên da, còn gọi là nốt sao mạch, sưng (phù) ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân...
![Mệt mỏi, thiếu năng lượng là biểu hiện của xơ gan. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/10/dau-hieu-xo-gan-5515-1646884641.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qk4E7vwJ8DQuDN3ZSx3Jhg)
Mệt mỏi, thiếu năng lượng là biểu hiện của xơ gan. Ảnh: Shutterstock
Xơ gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng áp tĩnh mạch cửa, cổ trướng, phù nề, nhiễm trùng, hội chứng gan - thận (HRS), hội chứng gan - phổi (HPS), ung thư gan...
Xơ gan khó điều trị nhưng dễ phòng ngừa
Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, để chẩn đoán bệnh xơ gan, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc (kê đơn và không kê đơn), chất bổ sung hoặc sản phẩm thảo dược mà người bệnh đang sử dụng. Tìm hiểu kỹ những vấn đề này giúp bác sĩ phát hiện và lưu ý đến một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xơ gan như tiền sử lạm dụng rượu lâu dài, lạm dụng thuốc tiêm hoặc đã bị viêm gan B hoặc C.
Tiếp đó, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số kiểm tra và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh và xác định mức độ tổn thương gan, bao gồm khám thể chất, xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh, sinh thiết.
![Xét nghiệm máu chẩn đoán xơ gan. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/10/xet-nghiem-xo-gan-1701-1646884641.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q68ZogO9rVnF23Hm3r4Omg)
Xét nghiệm máu chẩn đoán xơ gan. Ảnh: Shutterstock
Phương pháp điều trị xơ gan phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương gan của người bệnh. Mục tiêu của điều trị là làm chậm sự tiến triển của mô sẹo trong gan, kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa hoặc điều trị các biến chứng của bệnh.
Bệnh xơ gan tuy khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng lại rất dễ phòng tránh bằng các biện pháp đơn giản. Để ngăn ngừa gan xơ hóa, bác sĩ Thành đưa ra những lời khuyên như hạn chế sử dụng rượu, có chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung rau, củ, trái cây, thực phẩm giàu protein và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế chất béo và cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Ăn chín, uống sôi, đặc biệt không ăn sống các loại hải sản có vỏ vì chúng có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng gây nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Duy trì cân nặng hợp lý, luyện tập thể dục đều đặn, kiểm tra sức khỏe định kỳ, bỏ hút thuốc lá cũng rất cần thiết. Người trưởng thành cần tránh các hành vi nguy cơ cao làm lây nhiễm viêm gan B hoặc C, chẳng hạn như tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
Tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan A và B (đặc biệt là viêm gan B), tiêm phòng cúm hàng năm cũng là biện pháp phòng ngừa căn bệnh này. Sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi vì lạm dụng thuốc hoặc sử dụng sai liều có thể ảnh hưởng đến gan.
Ngọc An