Gout là bệnh khớp viêm phổ biến, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới. Bệnh đặc trưng bởi các cơn đau, sưng, đỏ, xuất hiện đột ngột và dữ dội ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ở ngón chân cái.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết các triệu chứng của bệnh gout có nhiều điểm tương đồng với các tình trạng viêm khác nên rất dễ gây nhầm lẫn. Chẩn đoán bệnh rất quan trọng để đảm bảo phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một số xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán gout.
Xét nghiệm máu
Bác sĩ sử dụng mẫu máu của người bệnh để xác định nồng độ axit uric và chỉ số thanh thải creatinin. "Kết quả đôi khi có sai lệch nhưng đây là biện pháp phổ biến nhất để hỗ trợ chẩn đoán gout", bác sĩ Vân nói. Sau khi người bệnh được xác định mắc gout, xét nghiệm này được thực hiện nhiều lần để theo dõi hiệu quả điều trị.
Xét nghiệm dịch khớp
Dịch khớp là chất lỏng nằm ở khoảng trống giữa các khớp, có tác dụng giảm ma sát trong quá trình hoạt động của các khớp. Mẫu dịch lấy từ khe khớp được soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm các bất thường và chẩn đoán nguyên nhân gây viêm khớp. Ngoài ra, dịch khớp còn được nhuộm Gram để tìm các tinh thể urat hình kim, đặc trưng của bệnh gout, cũng như vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh khác.
Các xét nghiệm khác
Ngoài hai phương pháp trên, để chẩn đoán gout, loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây đau khớp, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang, chụp CT... và thực hiện một số xét nghiệm như kiểm tra công thức máu, xét nghiệm kháng thể, xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR), xét nghiệm C-Reactive Protein (CRP), xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA), xét nghiệm anti- CCP, xét nghiệm yếu tố thấp (RF)...
Xét nghiệm gout thường được chỉ định cho người bị đau, sưng, đỏ ở một hoặc nhiều khớp, đau dữ dội ở khớp bàn ngón chân cái, viêm tái phát ở vòm trong của bàn chân, có các triệu chứng thoáng qua của bệnh gout và tự khỏi...
Bác sĩ Vân cho biết nồng độ axit uric bình thường dao động từ 1,5 đến 7 mg/dl. Nếu cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc thận đang đào thải hợp chất này không đúng cách làm nồng độ axit uric trong máu của người bệnh tăng cao bất thường. Nồng độ axit uric tăng cao khi chỉ số này vượt quá 7 mg/dl ở nam giới và 6 mg/dl ở phụ nữ.
Trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số axit uric trong máu vượt ngưỡng cho phép, tùy tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ chỉ định một số loại thuốc thích hợp. Người bệnh được tư vấn về chế độ sinh hoạt hằng ngày như giảm lượng đạm, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ dinh dưỡng, hạn chế rượu bia và các loại thức uống có cồn, vận động thường xuyên... Để duy trì chỉ số axit uric ở mức lành mạnh, người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ hoặc đi khám ngay khi phát hiện bất thường.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |