Ông Đình, 58 tuổi, bệnh gout 20 năm, không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ mà dùng thuốc nam khiến bệnh nặng hơn, khớp biến dạng không thể đi lại. Ông đau nhức toàn thân, nổi rất nhiều hạt tophi (các nốt sần nhỏ, căng phồng) ở các khớp, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Còn anh Hoàng, 32 tuổi, mắc bệnh gout gần 7 năm, nhưng không điều trị mà chỉ uống thuốc giảm đau, hiện xuất hiện nhiều hạt tophi lớn ở khớp, phải ngồi xe lăn. Anh còn bị biến chứng cushing (một dạng bệnh nội tiết) do lạm dụng thuốc giảm đau, có thể suy thượng thận cấp, suy kiệt rối loạn điện giải nặng, nhiễm trùng...
Ngày 8/7, ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết một tháng qua, trung tâm tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 400 bệnh nhân gout, trong đó gần 10% trường hợp bệnh tiến triển đến giai đoạn xuất hiện hạt tophi như ông Đình và anh Hoàng (giai đoạn nặng). Lượng bệnh nhân gout không tăng nhiều nhưng tỷ lệ biến chứng tháng này cao hơn gần 3 lần so với tháng trước.
Bác sĩ Thúy Vân giải thích nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự chủ quan của người bệnh.
Gout là một dạng viêm khớp rất phổ biến, có thể gây ra những cơn đau đột ngột và dữ dội ở tất cả khớp, phổ biến ở khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối. Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng cần theo dõi và điều trị kiểm soát bệnh thường xuyên. Người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống suốt đời. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ kiên trì hoặc tự ý ngừng điều trị khi thấy các dấu hiệu giảm, không tuân thủ tái khám để kiểm soát bệnh khiến hiệu quả điều trị không cao mà còn dẫn đến biến chứng.
Hạt tophi là tập hợp những tinh thể của hợp chất sodium urate monohydrate, kết tủa trong mô liên kết, lắng đọng tại các vị trí khớp xương và phần mềm quanh khớp. Chúng trông như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da tại vị trí các khớp xương. Khi các hạt tophi ngày càng lớn, chúng có thể vỡ và gây ra các vấn đề như nhiễm trùng, lở loét, nghiêm trọng nhất là gây tàn phế. "Đây là biến chứng nguy hiểm của bệnh gout, phát triển âm thầm", bác sĩ Vân nói.
Phác đồ điều trị biến chứng hạt tophi thường cần phải kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tùy mức độ. Hạt tophi kích thước lớn, bác sĩ có thể phải phẫu thuật cắt bỏ và dẫn lưu. Hạt kích thước nhỏ và vừa như trường hợp ông Đình và anh Hoàng, bác sĩ chỉ định dùng thuốc.
Anh Hoàng sau 6 tháng điều trị tích cực, các hạt tophi nhỏ dần, từ 5 cm chỉ còn khoảng 1/2 so với ban đầu. Tình trạng ông Đình cải thiện đáng kể sau hai tháng điều trị, giảm đau nhiều, lượng thuốc uống mỗi ngày giảm đáng kể.
Họ được bác sĩ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng khoa học như hạn chế thực phẩm giàu purin (đậu xanh, thịt, cá mòi, cá thu, sò, ốc), tăng cường thực phẩm chứa chất chống oxy hóa (nho, dứa). Vận động thường xuyên, duy trì cân nặng lành mạnh, uống nhiều nước, không hút thuốc lá, uống rượu bia, hạn chế căng thẳng... giúp cải thiện bệnh.
"Bệnh nhân tuân thủ chỉ định điều trị sẽ hồi phục, các hạt tophi có thể biến mất, chức năng vận động của khớp được khôi phục", bác sĩ cho biết.
Bệnh gout cũng có thể làm phát sinh các biến chứng như sỏi thận, tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ Vân khuyến cáo khi phát hiện các bất thường ở hệ cơ xương khớp, người bệnh nên đi khám sớm để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng. Không nên điều trị theo dân gian như uống thuốc nam, thuốc bắc, đắp lá cây... chưa rõ nguồn gốc, không tự dùng thuốc giảm đau kháng viêm kéo dài.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Tuy nhiên, người bệnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ, thực hiện lối sống khoa học, duy trì lượng axit uric trong máu ổn định có thể kiểm soát bệnh hiệu quả.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |