Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM - cho biết, nguy cơ đột quỵ sẽ cao hơn ở phụ nữ khi có số đo vòng bụng trên 80 cm và ở đàn ông lớn hơn 90 cm.
Một nghiên cứu trên 431 bệnh nhân tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Beihua (Trung Quốc) cho thấy, các bệnh nhân nhập viện trong vòng 72 giờ kể từ khi khởi phát đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính từ 7/2020 đến 6/2022 có vòng eo lớn hơn hoặc bằng 90 cm ở nam và lớn hơn hoặc bằng 80 cm ở nữ. Vòng mỡ bụng được xác định bằng triglyceride huyết thanh (lượng chất béo trung tính có trong máu) lúc đói lớn hơn hoặc bằng 1,7 mmol/L.
So với nhóm có nồng độ triglyceride máu bình thường, vòng eo bình thường, nguy cơ đột quỵ giảm đáng kể. Nguy cơ đột quỵ do tắc động mạch nhỏ ở nhóm có vòng bụng lớn cao hơn 2.318 lần so với nhóm có chất béo trung tính bình thường, vòng eo bình thường.
Theo bác sĩ Minh Đức, béo phì có mối liên hệ với tiên lượng lâm sàng ở bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tuy nhiên, béo phì không giải thích đầy đủ ảnh hưởng của sự phân bố mỡ trong cơ thể và các nghiên cứu sâu hơn cho thấy vòng eo có thể phản ánh chính xác hơn sự tích tụ mỡ nội tạng và mức độ xơ vữa động mạch. Do đó, vòng eo có liên quan chặt chẽ hơn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ so với chỉ số khối cơ thể (BMI).
Nghiên cứu trên gần 580 người đột quỵ ở Bắc Manhattan (Mỹ) đăng trên tạp chí Đột quỵ cũng chỉ ra rằng béo bụng là một yếu tố nguy cơ độc lập, tiềm ẩn đối với đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nhưng chỉ số vòng eo cao có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của đột quỵ.
Tuy nhiên, bác sĩ Minh Đức cho biết thêm, nguy cơ đột quỵ khi béo phì hay có vòng eo lớn không áp dụng cho tất cả mọi người. Bởi nguy cơ đó có thể còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giới tính, axit uric và độ nhạy insulin của cơ thể.
Người có vòng eo lớn có thể đối mặt với hàng loạt các bệnh liên quan đến chuyển hóa như bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, huyết áp cao, kháng insulin và tăng insulin máu, không dung nạp lượng đường, tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol, sa sút trí tuệ, suy giảm chức năng phổi, hội chứng chuyển hóa...
Nguyên nhân gây ra vòng eo lớn thường do mỡ nội tạng trong ổ bụng. Mỡ nội tạng là chất béo phát triển giữa và xung quanh các cơ quan nội tạng. Loại chất béo này khác thường nằm sâu trong bụng (khác với chất béo nằm ngay dưới da) và được coi là có hoạt tính viêm rất cao.
Theo bác sĩ Minh Đức, hiện nay, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) mới có thể đo chính xác hàm lượng chất béo nội tạng. Có một số cách để giảm chu vi vòng eo một cách lành mạnh là thay đổi lối sống bằng cách ăn uống lành mạnh, hạn chế mỡ động vật, đồ chiên rán, tăng cường rau củ quả, tập thể dục thường xuyên; bỏ thuốc lá; làm việc nhà...
Bình An