Đột quỵ là một trong những căn bệnh hàng đầu dẫn đến tử vong. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức (Trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100.000 người sống sót và phần lớn các trường hợp này đều gặp di chứng về thần kinh, vận động. Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ rất quan trọng, giúp kịp thời cấp cứu, hạn chế biến chứng.
Các dấu hiệu của đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột, trước thời điểm diễn ra đột quỵ chỉ vài phút nhưng cũng có trường hợp diễn ra trước vài giờ. Nhiều người tối hôm trước đi ngủ bình thường nhưng đến sáng thì đột ngột hôn mê hay yếu liệt tay chân một bên.
Bác sĩ Minh Đức khuyến cáo, nếu một người trước đó bình thường nhưng đột ngột có 5 dấu hiệu sớm của đột quỵ dưới đây thì không nên chủ quan, cần đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
- Thay đổi giọng nói, khó có thể nói được tròn vành rõ chữ. Người có dấu hiệu đột quỵ thường nói bị dính chữ, nói ngọng, không nói được những câu đơn giản.
- Cử động khó khăn, không thể cử động tay chân, không nâng được hai tay qua đầu cùng lúc, yếu liệt một bên cơ thể hoặc cả hai bên.
- Một bên mặt chảy xệ, cười méo mó, khuôn mặt mất cân đối, yếu liệt mặt.
- Mất thị lực đột ngột, mắt trở nên mờ, không thể nhìn hay quan sát một chủ thể ở cự ly gần.
- Đau đầu dữ dội, không thuyên giảm. Người có dấu hiệu đột quỵ còn có thể bị chóng mặt hoa mắt, tuy không yếu liệt chi nhưng lại khó ngồi hoặc đi đứng bình thường.
Theo bác sĩ Đức, mọi người có thể dựa vào nguyên tắc "F.A.S.T" để nhận diện những dấu hiệu đột quỵ nhanh chóng. Trong đó:
"F" (face) là quan sát gương mặt sẽ thấy mặt bị mất cân đối, miệng bị méo mó khi cười hoặc một bên mặt chảy xệ, yếu liệt mặt.
"A" (arm) là dấu hiệu khó cử động hoặc không thể cử động tay chân, nhất là không thể cùng lúc giơ hai tay lên cao qua khỏi đầu.
"S" (speech) là giọng nói bị thay đổi, bắt đầu có xu hướng nói ngọng, dính chữ, không nói liền mạch và rõ ràng được dù chỉ là những câu đơn giản.
"T" (time) là yếu tố thời gian, nếu thấy một người có những triệu chứng trên thì khả năng cao người này đã bị đột quỵ, cần khẩn cấp đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có khả năng điều trị. Người bị đột quỵ càng được can thiệp sớm thì càng giảm được nguy cơ tử vong, ít gặp biến chứng nguy hiểm, khả năng phục hồi nhanh hơn.
"Tuy vậy, có thể rất khó để xác định chính xác thời điểm xảy ra đột quỵ. Tốt nhất người bệnh không nên chủ quan mà cần chủ động tầm soát và duy trì thói quen ăn uống, luyện tập khoa học", bác sĩ Đức cho biết.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng các nhóm đối tượng thường có nguy cơ cao hơn bao gồm: người trên 50 tuổi, từng bị đột quỵ, tiền sử gia đình bị đột quỵ (nhất là đột quỵ trẻ dưới 40 tuổi), tăng huyết áp, có bệnh tim mạch bẩm sinh hoặc mắc bệnh mạch vành, rung nhĩ, tiểu đường, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu, bia, ăn nhiều dầu mỡ, chất béo bão hòa, ít vận động, béo phì...
Để hạn chế nguy cơ đột quỵ, mọi người nên ăn uống lành mạnh, bổ sung kali, ưu tiên thực phẩm nhiều chất xơ, hạn chế ăn mặn (giảm natri); không nên ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo. Vận động, tập thể dục thể thao, duy trì lối sống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Dung Nguyễn