Chị Bình, 27 tuổi, kết hôn 3 năm không có con, bác sĩ phát hiện hai vòi trứng (vòi tử cung) ứ dịch, có u nang buồng trứng trái dạng lạc nội mạc tử cung. Còn chị Điểm, 38 tuổi, vô sinh 7 năm, hút thai lưu 4 lần, viêm nhiễm vùng chậu, giảm dự trữ buồng trứng, X-quang cho thấy hai vòi trứng tắc nghẽn, dính buồng tử cung.
Đây là hai trong số nhiều trường hợp vô sinh do các bệnh lý liên quan đến buồng trứng đang điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA). Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Đô cho biết nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 10% trường hợp vô sinh hiếm muộn tại IVFTA. Thế giới và Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu thống kê tỷ lệ vô sinh hiếm muộn do mắc các bệnh lý buồng trứng.
Buồng trứng vừa là cơ quan nội tiết, vừa là cơ quan ngoại tiết quan trọng của phụ nữ. Ngoài sản xuất hormone estrogen và progesterone, bộ phận này còn là nơi lưu trữ, sản xuất trứng, bảo vệ và lựa chọn những tế bào trứng tốt nhất phục vụ chức năng sinh sản.
Tuy nhiên, buồng trứng dễ mắc nhiều bệnh lý, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể, giảm khả năng sinh sản. Theo bác sĩ Đô, nguyên nhân là lối sống và dinh dưỡng không lành mạnh gây rối loạn nội tiết, viêm nhiễm phụ khoa nhiều lần, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai, lạm dụng thuốc tránh thai...
Bệnh lý thường gặp nhất là khối u buồng trứng, như chị Bình. U có thể khiến buồng trứng hoạt động bất thường, dẫn tới không có trứng hoặc trứng rụng nhưng không thể sử dụng cho quá trình thụ tinh. Khối u kích thước to gây xoắn buồng trứng, chèn ép các tạng lân cận. Khối u dạng lạc nội mạc gây viêm dính, tổn thương phần nhu mô lành buồng trứng còn lại, cản trở quá trình phát triển và phóng noãn. Một số loại dẫn đến ung thư nếu không can thiệp, điều trị sớm.
Những vấn đề xảy ra tại vòi trứng (đường dẫn tinh trùng đến gặp trứng và thụ tinh) như viêm nhiễm, ứ dịch, hình thành mô sẹo... gây tắc, dính. Bệnh lý khiến trứng không thể gặp tinh trùng hoặc cản trở sự di chuyển của hợp tử về tử cung làm tổ dẫn đến thai ngoài tử cung, vô sinh.
Hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng, viêm, ung thư buồng trứng... Khi ấy buồng trứng không thể thực hiện chức năng sản sinh hoặc nuôi dưỡng trứng để duy trì hoạt động sinh sản, cản trở quá trình sản xuất hormone sinh dục nữ, gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Những biến đổi rất nhỏ bên trong buồng trứng như tế bào sinh trứng có bất thường, đột biến gene... cũng dẫn đến vô sinh.
Bác sĩ Đô cho biết để điều trị vô sinh, cần xác định chính xác những bất thường ở buồng trứng, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cụ thể phù hợp với từng bệnh nhân. Nếu vô sinh do bất thường chức năng buồng trứng, rối loạn phóng noãn như suy buồng trứng, buồng trứng đa nang..., người bệnh có thể điều trị bằng thuốc nội tiết hoặc các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sớm có con.
Với nhóm nguyên nhân bất thường thực thể ở buồng trứng như u buồng trứng, u lạc nội mạc tử cung,... bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật xử lý trước khi điều trị hỗ trợ sinh sản. Bác sĩ Đô ước tính can thiệp thành công giúp tăng khả năng có thai tự nhiên khoảng 10-15% trong một năm. Tỷ lệ này tăng lên 30% khi thực hiện IUI và 60% với IVF.
Các loại thuốc giúp kích thích nang trứng phát triển và phóng noãn như chu kỳ bình thường. Sau đó, bác sĩ bơm trực tiếp tinh trùng khỏe mạnh vào buồng tử cung, hoặc chọc hút trứng để thụ tinh trong phòng thí nghiệm và chuyển phôi vào tử cung giúp bệnh nhân có con.
Chị Bình và chị Điểm đều được bác sĩ tư vấn làm thụ tinh ống nghiệm. Người bệnh được kích trứng, tạo phôi và trữ đông phôi bằng phương pháp đông lạnh nhanh thủy tinh hóa. Sau đó, bác sĩ mổ nội soi xử lý bất thường trước khi chuyển phôi.
Chị Bình còn trẻ nên kích thích buồng trứng nhẹ thu được 11 nang noãn. Tỷ lệ thụ tinh và nuôi cấy phôi đạt 100%, thu được 11 phôi chất lượng tốt. Chị được mổ nội soi buồng tử cung bóc khối lạc nội mạc, cắt vòi trứng trái, tạo hình vòi trứng phải. Sau mổ ổn định, chị được dùng thuốc chuẩn bị niêm mạc và chuyển một phôi chất lượng tốt vào buồng tử cung, đậu thai. Bé gái nặng 3,4 kg chào đời khỏe mạnh vào tháng 4.
Còn chị Điểm tạo được 3 phôi tốt mang trữ đông, sau đó mổ nội soi tách dính buồng tử cung, cắt hai vòi trứng. Bác sĩ chuyển một phôi ngày 5 vào buồng tử cung, giúp chị đậu thai. Tháng trước, gia đình đón con trai chào đời ở tuần thai 39 bằng phương pháp sinh mổ.
Bác sĩ Đô lưu ý người bệnh có khối u ác tính hoặc u lạc nội mạc tử cung cần lên kế hoạch dự trữ trứng cho tương lai như đông lạnh noãn (trứng) hoặc mô buồng trứng. Những bất thường này có thể làm suy giảm dự trữ buồng trứng, thúc đẩy quá trình mãn kinh sớm, giảm cơ hội có con.
Với kỹ thuật thủy tinh hóa, các hoạt động sinh học của tế bào trứng, mô buồng trứng sẽ ngưng lại ngay thời điểm trữ đông. Tỷ lệ trứng sau rã đông có thể sử dụng để thụ tinh là trên 95%. Với mô buồng trứng đông lạnh, hoạt động buồng trứng có thể được trẻ hóa sau 3-4 tháng cấy ghép trở lại vào cơ thể, tỷ lệ mang thai đạt khoảng 45%.
Theo bác sĩ Đô, các bệnh lý buồng trứng hầu hết không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, đau khi quan hệ, đau trong kỳ kinh nguyệt, ra máu bất thường, rối loạn kinh nguyệt, thường xuyên mất ngủ giữa đêm, chóng mặt, buồn nôn, giảm trí nhớ, giảm ham muốn tình dục... đôi khi có thể gây nhầm lẫn với bệnh lý khác.
Ngoài xây dựng chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục, sinh hoạt lành mạnh và hạn chế căng thẳng, nữ giới nên chủ động thăm khám định kỳ. Nữ giới dưới 35 tuổi nên kiểm tra khả năng sinh sản mỗi năm một lần và 6 tháng một lần đối với người trên 35 tuổi. Nhận biết sớm các bệnh lý và những nguy cơ tiềm ẩn giúp điều trị hiệu quả cao, tránh nguy cơ biến chứng, tăng cơ hội mang thai.
Trịnh Mai
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |