"Đây là trường hợp đầu tiên tại IVF Tâm Anh mang thai dù dự trữ buồng trứng (AMH) bằng 0", ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), cho hay, hôm 15/5.
PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh Hà Nội, cũng cho biết chưa từng tiếp nhận trường hợp nào ngoài 40 tuổi và AMH bằng 0 như chị Quỳnh. Trước đó, bệnh nhân có mức AMH thấp nhất là 0,01 ng/mL. Y văn trên thế giới ghi nhận các trường hợp hiếm muộn trên 40 tuổi, tỷ lệ IVF thành công chỉ 5-10%.
"Trên 40 tuổi, chỉ số AMH bằng 0 thì tỷ lệ có thai vô cùng thấp", phó giáo sư Lê Hoàng nói.
Chị Quỳnh kết hôn tại Đức năm 2021 khi đã 38 tuổi. Bác sĩ ghi nhận buồng trứng của chị suy kiệt, gần như mãn kinh, không thể sinh con bằng trứng của mình. Vợ chồng thực hiện một chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) và hai chu kỳ thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Đức đều thất bại.
Tháng 9/2023, chị kết nối với Phòng khám Online của IVF Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ Như đánh giá đây là một ca cực khó, người bệnh ở xa, cơ hội làm mẹ bằng trứng tự thân gần như bằng không. Bác sĩ Như tư vấn trực tuyến cho chị Quỳnh phác đồ điều trị, hướng dẫn các thủ tục cần thiết trước khi họ về nước.
Tháng 11 năm ngoái, vợ chồng chị về TP HCM, đến IVF Tâm Anh TP HCM điều trị. Anh Paul, 40 tuổi, chồng chị Quỳnh, chỉ lưu trú Việt Nam hai tuần nên bác sĩ chỉ định trữ đông luôn 4 mẫu tinh trùng đủ cho quá trình thụ tinh ống nghiệm. Chị Quỳnh sau đó một mình ở lại Việt Nam điều trị.
Lúc này, xét nghiệm cho thấy nồng độ hai hormone FSH và LH ở buồng trứng tăng đến 60 mIU/mL và 37 mIU/mL, tương đương phụ nữ suy buồng trứng sớm hoặc mãn kinh. Ở phụ nữ bình thường, các hormone này chỉ 2-10 mIU/mL. Đặc biệt, chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của chị Quỳnh ghi nhận giảm tối đa bằng 0.
Bác sĩ Như quyết định không kích thích buồng trứng ở chu kỳ này bởi không đạt hiệu quả điều trị, tốn kém cho người bệnh.
May mắn chị Quỳnh vừa bước vào giai đoạn mãn kinh, nội tiết dao động, bác sĩ Như theo dõi chặt chẽ để bắt được "thời điểm vàng" khi nội tiết ổn định. Bác sĩ và người bệnh thường xuyên liên hệ. Chị Quỳnh được hướng dẫn tuân thủ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, ổn định tâm lý và tái khám đúng lịch.
Nhờ đó tháng 2/2024, xét nghiệm nội tiết FSH của chị Quỳnh giảm còn 10, siêu âm buồng trứng bên phải không có nang noãn, bên trái có hai nang nhỏ. Bác sĩ Như kích thích buồng trứng phác đồ nhẹ, thu được hai nang trứng nhỏ trưởng thành "quý hơn vàng".
Chuyên viên phôi học rã đông một mẫu tinh trùng của người chồng, chọn hai tinh binh khỏe mạnh tiêm vào mỗi bào tương trứng. Tỷ lệ thụ tinh và nuôi cấy phôi đạt 100%, thu được hai phôi ngày 3 chất lượng tốt.
Chị Quỳnh được chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện, chuyển cả hai phôi tươi và đậu một thai. "Đây là trường hợp hy hữu chuyển cùng lúc hai phôi để tăng tỷ lệ đậu thai", bác sĩ Như nói.
Người bệnh mang thai ở độ tuổi lớn, bào thai có nguy cơ bóc tách 30%, được bác sĩ cho dùng thuốc và theo dõi chặt chẽ. Cuối tháng 4, thai hơn 12 tuần phát triển khỏe mạnh, chị Quỳnh trở lại Đức.
Tại các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trên thế giới, kết quả xét nghiệm AMH 0,16 được coi là "siêu thấp". Một nghiên cứu trên hơn 1.600 bệnh nhân cho thấy phụ nữ từ 40 tuổi trở lên với nồng độ AMH thấp (dưới 0,5) có tỷ lệ hủy chu kỳ IVF cao nhất và không có thai lâm sàng. Mức AMH thấp nhất được ghi nhận đã mang thai và sinh con thành công là 0,56 ng/mL. Theo phó giáo sư Hoàng, chưa có nghiên cứu hay khảo sát nào trên thế giới ghi nhận có thai ở phụ nữ trên 40 tuổi, AMH dưới 0,1.
Tại IVF Tâm Anh, 80% bệnh nhân vô sinh hiếm muộn lớn tuổi, buồng trứng suy kiệt, nhiều lần chuyển phôi thất bại... Tỷ lệ IVF thành công của nhóm này khoảng 44,1%. Hầu hết ca bệnh điều trị thành công dù chỉ chuyển một phôi. Nhờ các kỹ thuật hiện đại và chiến lược gom trứng, gom phôi; nhiều phụ nữ chỉ còn 1-3 trứng vẫn có con của chính mình.
Bác sĩ Như khuyến cáo phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35 để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đến tuổi 40, cơ hội có thai còn khoảng 40% do số lượng và chất lượng noãn hai bên buồng trứng suy giảm đáng kể. Khoảng 75% số trứng bị bất thường về nhiễm sắc thể. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể giúp họ có con nhưng gặp nhiều thách thức hơn. Người chưa muốn có con trước 35 tuổi có thể bảo tồn khả năng sinh sản bằng kỹ thuật trữ trứng và trữ phôi.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
20h ngày 15/5, ThS.BS Giang Huỳnh Như và các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, sẽ tư vấn trực tuyến, giải đáp về kích thích buồng trứng tăng số lượng và chất lượng nang noãn, tối đa cơ hội thụ tinh và thụ thai. Chương trình được phát trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi tại đây. |