Viêm khớp dạng thấp (RA) là bệnh lý tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch, vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn,virus, gặp trục trặc và tấn công các mô lành trong cơ thể. Hậu quả là gây viêm bao hoạt dịch, khiến cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau.
Bệnh thường gây ảnh hưởng đến các khớp đối xứng trong cơ thể, chẳng hạn như cả hai tay, hai cổ tay hoặc hai đầu gối. Đây chính là điểm phân biệt bệnh lý viêm khớp RA với các loại viêm khớp khác. RA cũng liên quan đến một số vấn đề ở da và tình trạng da cho biết mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh đó, các loại thuốc điều trị RA cũng có thể ảnh hưởng đến da.
Những triệu chứng thường gặp của viêm khớp dạng thấp trên da bao gồm:
Nốt thấp khớp
Các nốt dưới da ảnh hưởng đến 25% những người mắc bệnh RA dương tính với yếu tố dạng thấp RF. RF là một loại protein được hình thành từ hệ thống. Kháng thể này có khả năng tự sinh và tự tấn công các mô cơ do sự nhầm lẫn trong cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm lấn của các protein lạ.
Các nốt sần có thể nằm trong mô dưới da ở các vùng xương, bao gồm khuỷu tay, mắt cá chân và ngón tay. Chúng thậm chí có thể hình thành trên các cơ quan, đặc biệt là phổi. Kích thước của các nốt thấp khớp từ khoảng bằng hạt đậu đến một quả bóng golf.
Các nốt nhỏ thường không cần điều trị. Với các nốt sần lớn, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) hoặc tiêm corticosteroid để giúp giảm kích thước của nốt. Một số người có thể cần phẫu thuật để loại bỏ nếu các nốt quá lớn, gây đau, nhiễm trùng.
Viêm mạch máu
Theo Quỹ Viêm Mạch máu, cứ 100 người bị RA thì có 1 người bị viêm mạch máu dạng thấp (RV). Biến chứng này phổ biến hơn ở những người đã bị RA từ 10 năm trở lên.
RV ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp máu cho các ngón tay và ngón chân, gây đỏ và lở loét ở đầu ngón tay, ngón chân và rỗ xung quanh móng tay. Ở những trường hợp nghiêm trọng nhất, RV thậm chí có thể gây ra thiếu máu cục bộ, cũng như làm tổn thương, phá hủy da và các mô bên dưới.
RV cũng có thể ảnh hưởng đến các mạch máu lớn, gây phát ban ở những vùng lớn hơn như chân. RV cũng có thể gây ra các vết loét trên da (vết loét hở giống miệng núi lửa) dẫn tới nhiễm trùng.
Điều trị RV phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhìn chung, kiểm soát viêm khớp dạng thấp là cách tốt nhất để quản lý RV. Nếu RV đã gây loét và ảnh hưởng đến các cơ quan, cyclophosphamide, một tác nhân hóa trị liệu, có thể được dùng để điều trị.
Viêm mạng mạch xanh tím
Viêm mạng mạch xanh tím là một tình trạng da thường không liên quan đến RA, dù một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh này thường gặp ở những người bị viêm mạch dạng thấp. Viêm mạng mạch xanh tím có xu hướng vô hại và phổ biến hơn khi thời tiết lạnh. Tình trạng này gây ra co thắt các mạch máu khiến chúng như một mạng lưới màu tía trên da. Viêm mạng mạch xanh tím cũng có thể gây ra vết loét, nốt sần và đổi màu.
Phát ban
Một số người bị RA bị nổi ban trên da với các nốt mụn đỏ ngứa và tương tự như khi bị tác dụng phụ của thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị RA có thể gây phát ban da, mỏng da, bầm tím và trở nên nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và thậm chí có thể cản trở quá trình đông máu.
DMARDs và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây phát ban và nổi mề đay. Đây thường là một phản ứng dị ứng và cần được bác sĩ lưu ý. NSAID và DMARD cũng có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Khi dùng những loại thuốc này, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời.
Aspirin và corticosteroid được biết là can thiệp vào quá trình đông máu. Chúng cũng có thể làm mỏng da và gây bầm tím.
Điều trị các vấn đề về da
Việc điều trị các vấn đề da khi bị RA sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục tiêu của việc điều trị là giảm đau, khó chịu, giảm viêm, và ngăn ngừa nhiễm trùng. Điều quan trọng là cần điều trị nguyên nhân cơ bản của các vấn đề về da, vì những tình trạng này là dấu hiệu cho thấy các triệu chứng viêm khớp dạng thấp đang không được kiểm soát tốt.
Thuốc không kê đơn (OTC) thông thường có thể giúp giảm đau, trong khi NSAID, bao gồm ibuprofen, có thể giúp kiểm soát và giảm viêm. Corticosteroid cũng có thể giúp giảm viêm da, nhưng những loại thuốc này không thể sử dụng lâu dài. Nếu có khả năng bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng sinh dạng bôi hoặc uống. Nổi mề đay thường được điều trị bằng thuốc kháng histamine.
Nếu tác dụng phụ của thuốc là nguyên nhân gây ra các triệu chứng RA trên da, việc thay thế hoặc giảm bớt thuốc có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng về da.
Hiện không có phương pháp nào để ngăn ngừa các vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp. May mắn là những biến chứng da nghiêm trọng hiện nay rất hiếm và đang trở nên ít phổ biến hơn nhờ các loại thuốc mới điều trị RA.Tất cả các vấn đề về da đều có thể được điều trị và kiểm soát hiệu quả nếu người bệnh phát hiện sớm.
Anh Ngọc (Theo Very Well Health)