Đau nhức bên ngoài khuỷu tay là dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm gân khuỷu tay. Cơn đau có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, lan dần đến cẳng tay và cổ tay. Thông thường, cơn đau xuất hiện khi chạm vào khuỷu tay hoặc thực hiện các động tác mạnh làm kéo căng gân. Lúc này, người bệnh có thể gặp khó khăn khi làm việc hoặc hoạt động thể chất như bắt tay, xoay nắm cửa, cầm nắm chặt đồ vật.
ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết viêm gân khuỷu tay có thể xảy ra ở mọi người nhưng thường gặp nhất là tuổi 30-50. Bất kỳ chuyển động mạnh, lặp lại nào tác động lên gân và cơ xung quanh khuỷu tay có thể gây ra bệnh này.
Người chơi quần vợt, vẽ tranh, chơi nhạc cụ, làm việc trên dây chuyền lắp ráp, thái thực phẩm thường khi nấu ăn... có nguy cơ cao. Các gân khuỷu tay hoạt động quá mức, cổ tay và cánh tay chuyển động lặp lại nhiều, làm cho các gân của cơ cẳng tay cọ xát vào mỏm xương bên ngoài khuỷu tay, gây viêm đau.

Cầm vợt quá chặt hoặc sai kỹ thuật có thể làm các gân bị căng thẳng, dẫn đến viêm gân khuỷu tay. Ảnh: Freepik
Bác sĩ yêu cầu người bệnh viêm gân khuỷu tay ngừng chơi thể thao và một số công việc nhất định để cánh tay được nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Tùy tình hình cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như uống thuốc giảm đau kháng viêm hoặc tiêm corticosteroid để giảm sưng đau. Đeo nẹp cánh tay giúp cơ và gân được trở về trạng thái nghỉ ngơi. Dùng sóng xung kích phá vỡ mô sẹo, làm tăng lưu lượng máu, đẩy nhanh quá trình chữa lành viêm gân. Nếu cơn đau kéo dài 6-12 tháng, người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ các mô tổn thương.
Chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng, giúp kiểm soát cơn đau, đẩy nhanh tốc độ chữa lành. Người bệnh có thể chườm lạnh để giảm sưng đau, nên chườm vài lần trong ngày, mỗi lần 15 phút. Nên thực hiện các động tác chuyển động cơ vai và bắp tay nhẹ nhàng nhưng cố gắng không duỗi thẳng hoặc uốn cong cánh tay, giúp giảm căng thẳng ở khuỷu tay...

Bác sĩ An Duy tư vấn sức khỏe cơ xương khớp cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Duy, viêm gân khuỷu tay thường không nghiêm trọng, có thể điều trị chỉ bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ và dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể trở thành mạn tính, dễ tái phát, về lâu dài có nguy cơ dẫn đến thoái hóa, xơ hóa gân duỗi, đứt gân tự phát... ảnh hưởng lớn đến lao động và sinh hoạt.
Người bệnh nên đến bác sĩ khám nếu các triệu chứng viêm gân khuỷu tay kéo dài hơn một tuần hoặc khi khó thực hiện cử động cánh tay, xuất hiện khối u ở vị trí đau, khu vực xung quanh khuỷu tay bị sưng đỏ hoặc phát hiện dấu hiệu bất thường khác.
Viêm gân khuỷu tay có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. Tăng cường sức mạnh và khả năng linh hoạt của cánh tay, cổ tay bằng cách tập tạ nhẹ. Nên khởi động và căng cơ trước khi tập thể dục thể thao, hạn chế tối đa các động tác lặp lại nhiều lần, sử dụng dụng cụ thể thao có kích thước phù hợp, vừa vặn với tay, nhất là khi chơi cầu lông, quần vợt.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |