Là một nhân viên sáng tạo nội dung, chị Ngọc Hà (35 tuổi, TP HCM) cho biết tính chất công việc khiến chị gõ máy tính và di chuyển chuột suốt 8-10 tiếng mỗi ngày. "Gần đây, phần cổ tay và ngón tay của tôi thường xuyên đau, thậm chí sưng, tê. Cơn đau tay khiến tốc độ đánh máy, thao tác di chuột chậm hơn đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc", chị Hà nói.

Đau ngón tay, cổ tay khi gõ máy tính quá nhiều mỗi ngày. Ảnh: Shutterstock
Trong thời đại công nghệ số, tình trạng đau nhức xương khớp do sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều như trường hợp chị Hà ngày càng trở nên phổ biến. Một khảo sát thực hiện trên 150 người, bao gồm cả sinh viên và nhân viên văn phòng (tuổi từ 17 đến 60 tuổi), đăng trên Tạp chí Y khoa Quốc gia Mỹ (NCBI) cho kết quả, 44.7% số người tham gia khảo sát gặp các vấn đề cơ xương khớp, chủ yếu ở 4 vị trí là lưng, cổ, vai, cổ tay/ bàn tay. Trong đó, tỷ lệ sử dụng máy tính bàn, máy tính xách tay và thiết bị di động hơn 6 giờ/ngày là 58,7%.
Tương tự, khi tiến hành khảo sát 415 sinh viên thường xuyên sử dụng máy tính, một trường đại học ở Estonia công bố rằng, 77% người được khảo sát bị đau cơ xương khớp trong suốt 12 tháng. Phổ biến nhất là đau cổ (51%), đau thắt lưng (42%), đau cổ tay/bàn tay (35%) và đau vai (30%).
Theo Ths.BS CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giống như hoạt động thể thao, thao tác gõ phím, di chuột, nhắn tin và vuốt màn hình lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ tạo ra căng thẳng quá mức lên các khớp, từ đó hình thành vi chấn thương ở sụn khớp và mô mềm xung quanh khớp. Theo thời gian, những tổn thương này sẽ kích hoạt phản ứng viêm, bào mòn sụn khớp khiến khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, cổ, vai gáy và thắt lưng bị đau, sưng, cứng, tê bì, dần dần giảm biên độ và phạm vi cử động.
Nếu không được khắc phục kịp thời, quá trình viêm có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề xương khớp nghiêm trọng như thoái hóa khớp ngón tay, viêm điểm bám lồi cầu ngoài xương cánh tay (tennis elbow), hội chứng De Quervain, hội chứng ngón tay cò súng (hay còn gọi là ngón tay lò xo) và hội chứng ống cổ tay. Phản ứng viêm tại khớp cũng làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau, sưng tấy và tê bì ở những người có tiền sử bệnh xương khớp, điển hình là viêm khớp dạng thấp (RA), bệnh gút và bệnh Lupus ban đỏ.
Dù sử dụng máy tính, điện thoại hàng ngày làm tăng nguy cơ bệnh khớp, rất khó để từ bỏ các thiết bị điện tử ngày trong cuộc sống hiện đại. Chính vì vậy, bác sĩ Thúy Vân đưa ra một số giải pháp giúp khớp được bảo vệ tốt hơn khi phải liên tục sử dụng máy tính, điện thoại.
Giữ tư thế trung lập
Tư thế trung lập là khi bàn tay và cẳng tay được đặt nằm trên một đường thẳng. Ở tư thế này, các dây thần kinh ở cánh tay và cổ tay sẽ không bị "cong" hoặc căng thẳng khi đánh máy hay di chuột, nhờ đó hạn chế đau nhức và căng cứng khớp.
Riêng với điện thoại, mọi người cần chú ý giữ ngang tầm mắt khi nhắn tin, sử dụng loa ngoài hoặc tai nghe khi thực hiện cuộc gọi. Thay vì cầm cố định trên tay, có thể đặt trên bàn hoặc đùi để giảm căng thẳng cho khớp ở tay.
Nghỉ giải lao
Những người việc với máy tính thường xuyên nên nghỉ giải lao xen kẽ, ít nhất 4 lần nghỉ/ giờ. Ví dụ, nếu đã thực hiện nhập dữ liệu trong 15 phút, bạn nên để đôi tay thư giãn với 3 lần nghỉ đầu là 30 giây và 1 lần nghỉ cuối là 3 phút. Trong thời gian nghỉ ngơi này, mọi người hãy thả lỏng hoàn toàn cơ thể để giải phóng áp lực cho tất cả các khớp xương, đặc biệt là khớp ngón tay, cổ tay, khuỷu tay và cổ, vai, gáy.
Sử dụng thiết bị phù hợp với tư thế làm việc
Nếu xác định gắn bó lâu dài với nghề "gõ bàn phím", nên trang bị máy tính, bàn phím, con chuột và bàn ghế được thiết kế theo tiêu chuẩn, giúp tạo sự vừa vặn, thoải mái cho cơ thể và giảm áp lực lên các khớp. Ví dụ ghế ngồi có thể điều chỉnh chiều cao phù hợp với vóc dáng người dùng, có chức năng điều chỉnh ngả lưng theo từng vị trí, thiết kế nâng đỡ cột sống...
Áp dụng bài tập kéo giãn
Thực hiện bài tập kéo giãn có thể xoa dịu đáng kể cảm giác đau nhức và căng cứng khớp. Bài tập này rất đơn giản, chỉ cần giữ thẳng hai cánh tay với bàn tay hướng xuống dưới, rồi từ từ uốn cong vừa phải ngón tay vào bên trong và giữ khoảng 15 giây, lặp lại 4-6 lần/ ngày.

Bài tập kéo căng cổ tay, khớp tay đơn giản có thể xoa dịu cảm giác đau mỏi tại chỗ. Ảnh: Shutterstock
Bổ sung dưỡng chất bảo vệ khớp
Quá trình viêm tại khớp là nguyên nhân gây viêm khớp và thoái hóa khớp. Do đó, bổ sung dưỡng chất thiên nhiên có khả năng điều hòa miễn dịch, hỗ trợ kiểm soát viêm như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide, turmeric root, chondroitin sulfate... sẽ giúp bảo tồn sụn khớp và cải thiện chất lượng dịch khớp, từ đó hỗ trợ giảm đau, giảm sưng khớp và duy trì khớp xương chắc khỏe, linh hoạt.
Bác sĩ Thúy Vân khuyến cáo nếu không thật sự cần thiết, hãy cố gắng giảm thiểu tối đa thời gian dùng máy tính và điện thoại. Trường hợp các triệu chứng đau nhức, sưng tấy và tê bì khớp kéo dài, tái phát nhiều lần, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn giải pháp điều trị tối ưu.
Cẩm Hường