Gân viêm hoặc tổn thương có thể xảy ra ở nhiều vị trí, thường gặp là vai, cổ tay, đầu gối, gót chân. Vùng viêm gân có các biểu hiện như sưng, nổi các khối u hoặc nốt sần, da mềm hơn, đau khi cử động, kéo dài nhiều ngày đến nhiều tháng.
ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phần lớn trường hợp viêm gân thường nhẹ, có thể cải thiện bằng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, gân bị căng quá mức, dẫn tới đứt, trở ngại khi cử động. Viêm kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng có khả năng thoái hóa gân, phát triển bất thường những mạch máu mới.

Viêm gân gây sưng đau kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Freepik
Điều trị viêm gân tập trung vào giảm đau, giảm viêm. Đa số trường hợp có thể kiểm soát tốt nếu người bệnh áp dụng những cách dưới đây.
Nghỉ ngơi đầy đủ: Cơ thể cần có thời gian để giảm viêm, giảm triệu chứng khó chịu. Người bệnh có thể cân nhắc băng hoặc nẹp tại vị trí viêm gân để hạn chế cử động.
Chườm lạnh: Trong vòng 48 giờ đầu sau khi chấn thương có thể chườm lạnh. Phương pháp này giúp co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến vùng bị thương, làm chậm quá trình viêm, giảm nhẹ sưng tấy và tổn thương mô xung quanh. Người bệnh chườm đá khoảng 10-15 phút một lần, hai lần một ngày. Bọc đá vào khăn, không chườm trực tiếp lên da để tránh bỏng lạnh.
Sử dụng thuốc: Nếu hai biện pháp trên không hiệu quả, bác sĩ kê một số loại thuốc giảm đau kháng viêm đường uống, bôi ngoài da cho người bệnh. Trường hợp viêm gân trên ba tháng, không đáp ứng những biện pháp điều trị khác, người bệnh được chỉ định tiêm corticoid.
Vật lý trị liệu: Các bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho gân, hỗ trợ điều trị, ngăn viêm gân nghiêm trọng hơn, có hiệu quả với cả người viêm gân mạn tính.
Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị cuối cùng. Bác sĩ loại bỏ canxi lắng đọng ở gân, sửa chữa gân tổn thương. Sau đó, người bệnh được hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng với vật lý trị liệu.

Bác sĩ Minh Tuệ tư vấn tình trạng sức khỏe cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Minh Tuệ cho biết ngoài chấn thương và bệnh lý về khớp, viêm gân có thể xảy ra do hoạt động sai tư thế, lặp đi lặp lại một động tác làm căng cơ gân quá mức. Để phòng ngừa, nên hạn chế những hoạt động làm gân bị căng thẳng. Nếu đau khi tập luyện hoặc làm việc, cần dừng lại để cơ gân nghỉ ngơi.
Khởi động khi tập thể dục thể thao để tăng phạm vi chuyển động của khớp, giảm nguy cơ chấn thương. Kết hợp xen kẽ bài tập tăng cường linh hoạt và khả năng chịu đựng của gân. Ngồi làm việc đúng tư thế, điều chỉnh màn hình máy tính, ghế, bàn phím phù hợp. Người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ, đi khám nếu viêm gân kéo dài hoặc xuất hiện bất thường.
Phi Hồng
Độc giả có thắc mắc về bệnh cơ xương khớp, gửi câu hỏi tại đây để được bác sĩ giải đáp.