Ung thư gan phát triển khi các tế bào bình thường trong gan tăng trưởng không kiểm soát và xuất hiện những bất thường cả về hình thái lẫn chức năng. Các tế bào ung thư gan phát triển ảnh hưởng đến các mô liền kề, phá hủy những tế bào gan lành khác, làm cản trở hoạt động sống của cơ quan này.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, phát hiện sớm ung thư gan có ý nghĩa quan trọng. Bởi ung thư gan giai đoạn đầu có thể điều trị khỏi nhờ nhiều phương pháp như phẫu thuật, đốt sóng cao tần, vi sóng. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn, các khối u đã quá lớn hoặc di căn, chỉ có thể điều trị bổ trợ nhằm hạn chế bệnh tiến triển.
Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư gan nhưng các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh. Dưới đây là một số yếu tố phổ biến mà mọi người nên lưu ý.
Hút thuốc lá
Nghiên cứu năm 2017 của Bệnh viện Đại học Bern (Thụy Sĩ) khảo sát 238 bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan (HCC), trong đó có 64 người hút thuốc và 174 người không hút thuốc. Qua phân tích, tỷ lệ tử vong ở những người hút thuốc lá mắc loại ung thư này cao hơn so với bệnh nhân không hút thuốc. Sử dụng thuốc lá càng nhiều và thời gian hút càng lâu thì nguy cơ ung thư gan càng cao. Tổ chức Ung thư Quốc tế (Globocan) xếp thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Nghiện rượu bia
Nhiều người bị ung thư gan do thói quen uống rượu bia. Tất cả ethanol trong bia rượu uống vào cơ thể đều chuyển thành acetaldehyde gây độc với tế bào gan. Tiến sĩ Khanh dẫn một số nghiên cứu cho thấy, trong hầu hết những người bị gan nhiễm mỡ do rượu có 10-35% mắc bệnh viêm gan do rượu. Khoảng 20-40% người viêm gan do rượu tiến triển xơ gan. Trên 20% số người bị gan nhiễm mỡ do rượu tiến triển trực tiếp sang giai đoạn xơ gan. Người bị xơ gan thường có nguy cơ ung thư gan cao.
Viêm gan virus mạn tính
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, nhiễm virus viêm gan B (HBV) mạn tính hoặc virus viêm gan C (HCV) là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ung thư gan. Theo nghiên cứu của Đại học Đức, đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ năm 2017, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm do ung thư biểu mô tế bào gan tiến triển từ viêm gan virus mạn tính. Đa số các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan liên quan đến virus viêm gan tiến triển từ bệnh xơ gan. Tuy nhiên, có trường hợp nhiễm viêm gan B tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan mà không nhất thiết phải có nền bệnh xơ gan giai đoạn cuối trước đó.
Nếu đồng thời nhiễm viêm gan B và C, người bệnh có nguy cơ cao viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Thậm chí nguy cơ cao hơn nữa nếu họ có thường xuyên uống rượu bia.
Xơ gan
Phần lớn bệnh nhân ung thư gan đều tiến triển từ xơ gan. Tiến sĩ Khanh cho biết, tại Việt Nam, xơ gan là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan phổ biến. Trong đó, xơ gan do tình trạng đồng nhiễm viêm gan B và C; viêm gan B và D làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan gấp 2-6 lần so với mỗi trường hợp nhiễm riêng lẻ. Trường hợp không nhiễm viêm gan B và C, tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào gan thấp hơn ở bệnh nhân xơ gan do rượu và bệnh nhân xơ gan mật tiến triển.
Béo phì
Với người béo phì, các chất béo dư thừa tích tụ trong gan dẫn đến tình trạng viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, sau đó, dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Gan nhiễm mỡ không do rượu là một trong những yếu tố gây ra ung thư biểu mô tế bào gan. Theo Tạp chí khoa học Sciencedirect (Mỹ) năm 2021, khoảng 41,2% bệnh nhân ung thư gan tiến triển từ gan nhiễm mỡ không do rượu tử vong.
Tiểu đường type 2
Người bị tiểu đường type 2 thường có xu hướng thừa cân, béo phì nên càng dễ gặp nhiều bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ hay xơ gan. Người bị tiểu đường type 2 có nguy cơ cao mắc loại ung thư này khi đồng thời bị viêm gan siêu vi mạn tính hoặc có thói quen sử dụng nhiều rượu bia trong thời gian dài.
Ăn ngũ cốc bị mốc
Aflatoxin là độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên do một số loài aspergillus phát triển trên các hạt ngũ cốc, các loại hạt có dầu và các sản phẩm củ. Trong đó, lạc bị mốc sẽ sinh ra aflatoxin B1 - loại độc nhất, dễ gây ung thư gan. Mọi người, nhất là người nhiễm virus viêm gan B mạn tính tránh ăn các loại ngũ cốc mốc.
Tuổi tác, giới tính
Thống kê từ Globocan 2020 cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ ung thư gan ở nam là 20,5%, cao hơn gần 3 lần ở nữ với 7,4%. Theo Tiến sĩ Khanh, nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này xuất phát từ lối sống khác nhau. Trong khi, nam giới có thói quen hút thuốc, uống nhiều rượu bia và ít khi kiểm tra sức khỏe định kỳ thì số đông nữ lại quan tâm chăm sóc sức khỏe hơn. Người cao tuổi dễ bị tổn thương gan hơn người trẻ nên tỷ lệ mắc căn bệnh này cũng cao hơn. Ở Mỹ, ung thư gan nguyên phát thường xảy ra ở người hơn 60 tuổi.
Tiến sĩ Khanh khuyến cáo, để giảm nguy cơ ung thư gan, trẻ em và người lớn cần tiêm vaccine ngừa viêm gan B theo đúng phác đồ; điều trị những bệnh lý như viêm gan do virus, tiểu đường... trước khi chúng phát triển thành ung thư gan. Hạn chế uống rượu bia, ngưng hút thuốc lá, duy trì chế độ ăn và cân nặng hợp lý, rèn luyện thể thao giúp tăng cường sức khỏe. Những người có nguy cơ cao ung thư gan nên tầm soát 6 tháng một lần để có cơ hội chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm.
Trịnh Mai