Gout là tình trạng viêm do sự tích tụ axit uric trong cơ thể, ảnh hưởng đến khớp, phổ biến nhất là ở ngón chân cái.
66% axit uric trong cơ thể được tổng hợp tự nhiên, còn lại là sản phẩm của quá trình phân giải purine đến từ thực phẩm giàu đạm (protein). Thận đóng vai trò điều chỉnh nồng độ axit uric bằng cách lọc thải hợp chất này ra khỏi máu. Nếu thận không thể lọc hết hoặc cơ thể sản sinh quá nhiều hoạt chất trên, tình trạng tăng axit uric máu sẽ xảy ra. Khi đó, một lượng axit uric sẽ rời khỏi máu và bắt đầu lắng đọng thành tinh thể sắc nhọn ở khớp và mô mềm xung quanh, đồng thời gây viêm tại đây. Số lượng tinh thể ngày càng tăng sẽ hình thành nên các nốt tophi.
Hạt tophi hay nốt tophi là tập hợp những tinh thể của hợp chất sodium urate monohydrate, kết tủa trong mô liên kết, tăng dần trong nhiều năm, lắng đọng tại các vị trí khớp xương và phần mềm quanh khớp. Chúng trông như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da tại vị trí các khớp xương.
Như vậy, tophi không xuất hiện ngay từ đầu mà phát triển vào giai đoạn cuối của bệnh gout (mạn tính). Thông thường, bệnh cần khoảng 10 năm (hoặc ít hơn) kể từ thời điểm khởi phát để tiến triển đến giai đoạn này. Hạt tophi là dấu hiệu cho thấy nồng độ axit uric tích tụ cao lâu năm trong khớp.
Các hạt tophi nếu không được điều trị sẽ tiếp tục phát triển và dần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Bệnh có thể gây mất ổn định khớp và hạn chế phạm vi chuyển dộng. Tophi cũng dẫn đến xói mòn xương và các biến chứng như loét, nhiễm trùng.
Điều trị gout và tophi đòi hỏi một kế hoạch toàn diện. Đối với hạt tophi có kích thước nhỏ, mục tiêu điều trị là làm tan hạt và thu nhỏ kích thước của chúng bằng thuốc. Một số loại thuốc sẽ được chỉ định để giảm lượng axit uric trong máu, từ đó làm tan các hạt tophi.
Bên cạnh kê đơn thuốc, các bác sĩ sẽ đưa ra thêm những lời khuyên để thay đổi lối sống như: áp dụng chế độ ăn lành mạnh, giảm cân, hạn chế uống rượu, giảm ăn các thực phẩm giàu purine như thịt đỏ và nội tạng động vật.
Nếu sau điều trị, các hạt tophi do gout không giảm kích thước và tiếp tục gây đau đớn, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp phẫu thuật cắt bỏ để giảm đau, tránh nhiễm trùng và phục hồi khả năng vận động. Bác sĩ sẽ rạch vết mổ trực tiếp tại vị trí có hạt tophi, sau đó loại bỏ và làm sạch vùng phẫu thuật. Nếu hạt tophi phá huỷ khớp, bác sĩ sẽ thực hiện nối khớp lại với nhau, cách này giúp giảm đau và ổn định khớp, nhưng có thể gây hạn chế vận động. Nếu tophi gây ra các tổn thương không thể hồi phục cho khớp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay khớp.
Thanh Thúy (Theo Very Well Health)