Đau gót chân là tình trạng khá phổ biến, có thể khiến người bệnh cảm thấy đau nhói, bỏng rát, đau âm ỉ, khó đi lại, đi khập khiễng khi di chuyển hoặc hoạt động thể thao, vận động mạnh. Xương gót chân, nằm ở mu bàn chân bên dưới mắt cá chân, cùng với các mô xung quanh có tác dụng tạo ra sự cân bằng và chuyển động từ bên này sang bên kia của mu bàn chân. Bất kỳ chấn thương hoặc nhiễm trùng nào xảy ra ở các cấu trúc này, hoặc các dây thần kinh ở mắt cá chân hoặc bàn chân, đều có thể dẫn đến đau gót chân.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân đau gót chân tự khỏi, không cần điều trị. Tuy nhiên, có những trường hợp các cơn đau có thể kéo dài, tiến triển thành đau gót chân mạn tính.
Có hai nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân là viêm gân gót chân và viêm cân gan bàn chân.
Viêm gân gót chân: còn gọi là viêm gân Achilles, gân lớn nhất trong cơ thể, kéo dài từ bắp chân đến gót bàn chân. Bệnh nhân thường đau thắt hoặc thấy rát quanh khu vực gót chân, tê cứng gót, bắp chân.
Hoạt động quá mức, tập thể dục quá sức, không khởi động bắp chân trước khi luyện tập, đi giày chật cũng gây viêm gân gót chân.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, gân Achilles có thể bị đứt. Điều này xảy ra khi người bệnh hoạt động thể chất mạnh (chơi bóng rổ, quần vợt), bàn chân xoay đột ngột. Ngoài việc đau gót chân, một số người còn nghe thấy âm thanh lạ khi gân bị rách.

Đau gót chân là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý về gân, cơ cần chữa trị sớm. Ảnh: Freepik
Viêm cân gan bàn chân: Đây là tình trạng dải cơ bám của bàn chân (kết nối xương gót chân với gốc các ngón chân) bị viêm. Bệnh nhân thường thấy đau nhói ở dưới gót chân khi thức dậy vào buổi sáng, di chuyển, dùng lực mạnh, đứng lên sau khi ngồi lâu.
Nếu trì hoãn điều trị, đau gót chân sẽ tiến triển thành gai xương gót, một xương nhỏ nhô ra ở mặt dưới gót chân, tốn nhiều thời gian chữa trị. Cân gan bàn chân có thể bị vỡ, rách, đau đột ngột kèm sưng đau, bầm tím. Tuy nhiên, tổn thương này hiếm gặp.
Ngoài hai nguyên nhân trên, đau gót chân còn do các yếu tố sau:
Hội chứng ống cổ chân: Dây thần kinh lớn phía sau bàn chân bị chèn ép gây đau nhức, bỏng rát, tê từ gót chân đến phía dưới bàn chân và các ngón chân. Bệnh nhân xuất hiện các cơn đau vào ban đêm.
Gãy xương: Xương bàn chân gãy do bệnh nhân vận động nhiều, liên tục, không nghỉ ngơi hợp lý. Tình trạng này thường gặp ở các vận động viên.
Bầm gót chân: Phần đệm của gót chân xuất hiện vết bầm gây đau do chấn thương, tập luyện nặng.
Teo mô mỡ: Người cao tuổi, vận động viên chạy bộ dễ bị teo mô mỡ đệm ở bàn chân với các triệu chứng như đau sâu, nhức giữa gót chân.
Sưng gót chân: Vết sưng, tấy ở phần xương nhô ra sau gót chân do người bệnh đi giày cứng, cỡ nhỏ.
Viêm bao hoạt dịch: Khi mô mềm quanh vết sưng ở gót chân nhiễm trùng, viêm bao hoạt dịch (chất lỏng xâm nhập giữa các khớp) sẽ phát triển, tạo ra cơn đau tại xương gót chân, gân Achilles.
Tổn thương mắt cá chân: Mắt cá nhân tuy nhỏ nhưng bên trong chứa dây chằng, mô mỡ, gân, dây thần kinh, mạch máu. Khi bộ phận này gặp vấn đề, bệnh nhân đi lại khó khăn.
Ngoài các tổn thương trên, người bệnh đau gót chân có thể do bị viêm tủy xương, u xương gót chân. Với những triệu chứng, dấu hiệu điển hình, bác sĩ sẽ chẩn đoán cho bệnh nhân qua việc khám sức khỏe, xét nghiệm máu, chụp X-quang gót chân hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)... Đôi khi cơn đau ở gót chân là do vấn đề ở bộ phận khác của cơ thể như rối loạn thần kinh do tiểu đường, nghiện rượu, nhiễm trùng da, nấm da chân, viêm khớp dạng thấp...
Tùy nguyên nhân đau gót chân, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị riêng như tập vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau, nẹp chỉnh hình gót chân, chườm đá lên gót chân khoảng 20 phút, 4 lần/ngày nhằm giảm sưng, đau. Sau 6-12 tháng điều trị nhưng cơn đau không thuyên giảm, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.
Tại nhà người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh (đi bộ nhanh, chạy bộ...), khởi động trước khi tập thể dục, đi giày, dép phù hợp, ăn uống đủ chất, tránh béo phì. Nếu đau gót chân kéo dài, đau nhiều vào buổi tối, gót chân sưng hoặc đổi màu bất thường, sốt, cơ thể nổi mẩn đỏ, bệnh nhân cần đi khám để bác sĩ đánh giá, điều trị kịp thời.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)