Đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám do chân đau nhức nhiều, ông Quý cho biết 50 năm trước - thời chiến tranh - bị mảnh bom nổ văng cắt vào mắt cá chân. Từ đó, vết thương cứ khoảng 2-3 tháng lại sưng, rỉ máu.
25 năm trước, ông mắc bệnh tiểu đường type 2, vết thương đau nhức nhiều hơn, sưng to, loét, phải nhập viện điều trị gần một tháng ở Trà Vinh. Sau đó, ông trải qua thêm ba lần tiểu phẫu cắt bỏ vùng hoại tử nhưng vẫn chưa khỏi hẳn.
Ngày 29/12, ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vết thương mạn tính ở mắt cá chân của người bệnh là vị trí khó lành và dễ tái phát, có biểu hiện nhiễm trùng, hoại tử.
Ở người bình thường, vết thương mạn tính chăm sóc rất khó, dễ tái phát. Trong khi đó, ông Quý mắc bệnh tiểu đường, đường huyết cao tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khiến vết thương nhiễm trùng, hoại tử.
Vết thương mạn tính ở người tiểu đường thường khó điều trị, cần có phác đồ rõ ràng tránh nhiễm trùng tái phát, mưng mủ, theo bác sĩ Bích. Ông Quý được phẫu thuật loại bỏ mô hoại tử, mủ, sát trùng vết thương và cắt lọc mỗi ngày, đặt máy hút áp lực âm giúp tăng sinh các mô tế bào mới.
Vết thương của ông Quý để quá lâu, sử dụng kháng sinh dài tạo thành màng vi khuẩn kháng kháng sinh (vi khuẩn không phản ứng với kháng sinh bình thường) nên phải điều trị bằng truyền kháng sinh đặc hiệu, giúp giải quyết nhiễm trùng. Người bệnh áp dụng chế độ dinh dưỡng, hạn chế đi lại và điều trị kiểm soát các yếu tố khác như đường huyết, huyết áp hỗ trợ đẩy nhanh quá trình lành thương.
Sau một tháng điều trị, ông Quý được tháo băng, vết thương lành, hết đau nhức, vùng da mới hồng hào thay cho vết thâm tím, lở loét trước đó.
Theo bác sĩ Bích, quá trình sinh lý lành vết thương gồm 4 giai đoạn cầm máu, viêm, tăng sinh, tái tạo. Vết thương mạn tính là vết thương không thể trải qua giai đoạn phục hồi như bình thường. Những vết loét mạn tính kéo dài trung bình 12-13 tháng, tỷ lệ tái phát là 60-70%, dễ làm mất chức năng, giảm chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Bích khuyến cáo người có vết thương điều trị lâu lành, vết thương ở vị trí khó lành như cổ chân, mắt cá chân, xương cụt, lòng bàn chân, cần đến gặp bác sĩ để được chăm sóc, tránh vết thương tái phát, gây bất tiện trong sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, tốn kém chi phí điều trị nhiều lần.
Vết thương mạn tính nếu điều trị không tốt có thể nhiễm trùng nặng, hoại tử, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |