Trả lời:
Bàn chân đái tháo đường là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời biến chứng, người bệnh có nguy cơ loét chân lâu lành dẫn đến cắt cụt chân.
Bạn mắc bệnh đái tháo đường ba năm nên tầm soát sớm biến chứng bàn chân đái tháo đường để chăm sóc, ngăn ngừa và điều trị. Thời điểm tầm soát phụ thuộc vào type bệnh. Với đái tháo đường type 1, bạn nên tầm soát sau 5 năm kể từ khi bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh. Trường hợp đái tháo đường type 2 cần tầm soát biến chứng bàn chân đái tháo đường ngay thời điểm được chẩn đoán.
Người bệnh nên đến cơ sở y tế có đủ các chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Ngoại mạch máu, Phục hồi Chức năng, Chẩn đoán hình ảnh, Chấn thương Chỉnh hình để được khám. Bác sĩ dùng các thiết bị y khoa chuyên dụng để đánh giá bàn chân đái tháo đường và chỉ định người bệnh các xét nghiệm như đánh giá áp lực bất thường của bàn chân bằng thiết bị scan bàn chân, đo điện cơ, siêu âm doppler động mạch chi dưới (hiển thị được dòng chảy của máu), đo chỉ số huyết áp cổ chân, cánh tay...
Người bệnh có thể được chụp cắt lớp CT động mạch chi dưới nhằm phát hiện biến chứng thần kinh ngoại biên và bệnh động mạch ngoại biên của hai chân.
Sau khi tầm soát, nếu người bệnh có biến chứng thần kinh hay mạch máu, bác sĩ đánh giá và phân loại nguy cơ theo 4 nhóm mức độ, từ rất thấp, thấp, trung bình đến cao. Phác đồ theo dõi điều trị tùy thuộc vào mức độ nguy cơ.
Trường hợp người bệnh có biến chứng thần kinh ngoại biên gây chai chân, loét chân, biến dạng bàn chân hay có điểm tăng áp lực trên bàn chân, các bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường, Chấn thương Chỉnh hình, Phục hồi Chức năng... phối hợp điều trị vết chai chân và áp dụng biện pháp giảm áp lực lên bàn chân, ngăn ngừa loét. Bác sĩ tái thông mạch máu cho người bệnh bị hẹp hay tắc mạch máu đến nuôi chi dưới bằng mổ bắc cầu động mạch, nong mạch máu để cải thiện lưu lượng máu tới chi dưới.
Người bệnh có thể nhận biết các biến chứng bàn chân đái tháo đường tùy theo nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:
Biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường chiếm khoảng 40-45% trường hợp mắc bệnh này. Triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, thường gặp là cảm giác tê rát, châm chích từ bàn chân đến gối, đối xứng cả hai chân. Người bệnh có thể đi rớt dép, nặng hơn là mất cảm giác ở hai bàn chân.
Ngoài tổn thương thần kinh cảm giác hai, chân có thể bị tổn thương thần kinh vận động gây biến dạng thành ngón chân búa, ngón chân quặp hay ngón chân cái quẹo vào trong. Biến dạng bàn chân gây các điểm tỳ đè bất thường trên bàn chân dễ dẫn đến loét chân.
Bệnh động mạch ngoại biên do đái tháo đường là tổn thương động mạch cung cấp máu nuôi cho hai chân do xơ vữa mạch máu. Triệu chứng phổ biến là đau khi đi lại nhiều, giảm đau khi nghỉ, chân lạnh hay bàn chân tím nếu xơ vữa mạch máu tiến triển.
Tình trạng xơ vữa mạch máu hai chân thường lan từ vị trí đùi đến hai bàn chân. Bàn chân dễ hoại tử, vết thương lâu lành, nguy cơ cao cắt cụt chân.
Nhiễm trùng đái tháo đường không được kiểm soát tốt khiến đường huyết cao kéo dài, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập bàn chân và phát triển. Nhiễm trùng bàn chân ở người bệnh thường diễn tiến nhanh và dễ lan rộng tạo nên ổ áp xe có nguy cơ nhiễm trùng huyết và tử vong.
BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |