Trung bình mỗi tuần Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận hơn 5 bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nhiễm trùng da.
Như bà Bình, 56 tuổi, quận Gò Vấp, mắc bệnh tiểu đường type 2 hơn 10 năm. Tuần trước, bà đến phòng khám gần nhà lấy nốt chai ở ngón cái chân phải. Một ngày sau, ngón chân đau nhức, sát khuẩn, uống kháng sinh không bớt. Bà sốt, đến khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chọc hút dẫn lưu mủ ở ngón chân cái, chăm sóc vết thương kết hợp dùng kháng sinh.
Trường hợp khác, ông Phúc, 60 tuổi cấp cứu trong tình trạng sưng cổ chân phải, sốt cao, mệt, li bì, không ăn uống được. 4 năm trước, ông bị tiểu đường type 2, vùng cổ chân nhiễm trùng tái lại nhiều lần.
Ngày 8/11, BS.CKI Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết, cho biết bệnh nhân nhiễm trùng nặng, hoại tử chân, nếu không xử trí sớm nguy cơ cao cắt cụt chân do hoại tử lan rộng. Người bệnh được mổ, cắt lọc vết thương, rạch lấy mủ, loại bỏ các mô hoại tử, đặt máy hút áp lực âm.
Bác sĩ giải thích đường huyết cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dễ gây nhiễm trùng, làm chậm quá trình lành vết thương. Một vết xước nhỏ cũng có thể dẫn đến ổ nhiễm trùng, áp xe lớn.
Theo bác sĩ Vũ, nhiễm trùng da ở người tiểu đường có thể bắt nguồn từ các vết thương do trầy xước, bỏng, vết cắt do vật sắc nhọn hoặc vết mổ, viêm nang lông... Như bà Thảo, 72 tuổi, Bạc Liêu, mắc bệnh tiểu đường nhưng bỏ thuốc điều trị, bấm huyệt tại cơ sở ở địa phương. Bà nhập viện do sốt cao, sưng đau nhức ở cánh tay trái, đùi trái. Bác sĩ rạch áp xe, hút mủ, đặt dẫn lưu, dùng thuốc kháng sinh liều mạnh, đặt máy hút áp lực âm giúp vết thương của bệnh nhân nhanh lành.
"Những vết xước nhỏ trong quá trình bấm huyệt tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Nếu điều trị chậm trễ, bệnh nhân có khả năng sốc nhiễm trùng", bác sĩ Vũ nói.
Tác nhân gây nhiễm trùng da thường là vi khuẩn gram dương, liên cầu khuẩn nhóm A và B, vi khuẩn tụ cầu vàng (staphylococcus aureus), clostridium perfringens, bacteroides, vibrio vulnificus... Theo bác sĩ Vũ, nhiễm trùng da cấp tính do vi khuẩn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến biến chứng nặng và tử vong ở người bệnh tiểu đường.
Nhiễm trùng da ở người bệnh tiểu đường gồm nhiều tình trạng khác nhau như viêm mô tế bào, nhiễm trùng mô sâu, áp xe, hoại tử mô, nhiễm trùng bàn chân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường nhiễm trùng da có nguy cơ biến chứng cao gấp 4 lần so với người không mắc bệnh, làm tăng khả năng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng...
Kiểm soát đường huyết không tốt gây tổn thương mạch máu nhỏ và mạch máu lớn, dẫn đến các biến chứng thần kinh, làm mất cơ chế đề kháng tại chỗ là một trong những nguyên nhân gây nhiễm trùng da.
Bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường làm suy giảm khả năng di chuyển bạch cầu dễ nhiễm trùng da, trầm trọng hơn nhiễm trùng mô cấp tính do vi khuẩn. Một số người bệnh động mạch ngoại biên làm giảm lưu lượng mạch máu, do đó kháng sinh không tới được vùng nhiễm trùng, tạo cơ hội cho vi khuẩn nhân lên nhanh hơn.
Người bệnh càng lớn tuổi tình trạng suy giảm miễn dịch càng làm chậm quá trình lành vết thương, tăng khả năng nhiễm trùng do vi khuẩn.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo người tiểu đường nên có thói quen kiểm tra kỹ da hàng ngày, nhất là da vùng bàn chân, dưỡng ẩm da tránh khô dễ gây ngứa, nứt nẻ. Chọn quần áo rộng rãi thoáng mát, chất liệu mềm, không đi chân đất và mang các loại dép, giày có chất liệu thô cứng gây đau chân. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khô thoáng tránh để tránh ẩm ướt, kết hợp kiểm soát đường huyết phòng nhiễm trùng da.
Đinh Tiên
20h, ngày 9/11, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tổ chức tư vấn trực tuyến "Đái tháo đường: nhiễm trùng, đoạn chi và biến chứng nguy hiểm" phát trên fanpage VnExpress. Chương trình cung cấp thông tin về biến chứng nhiễm trùng, đoạn chi ở người tiểu đường và cách chăm sóc vết thương, phương pháp điều trị nhiễm trùng tại bệnh viện. Các bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường của bệnh viện tham gia tư vấn gồm TS.BS Lâm Văn Hoàng, BS.CKII Đinh Thị Thảo Mai, ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây. |