BS.CKI Đỗ Thị Hồng Ánh, khoa Phục hồi chức năng, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết vận động cũng có tác dụng giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh tim mạch, cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch được tăng cường, khả năng chống lại nhiễm trùng và chữa lành cơ thể tốt hơn, giúp giảm viêm và nguy cơ nhiễm trùng. Từ đó sức khỏe tổng thể được nâng cao, góp phần kéo dài tuổi thọ.
Bác sĩ Ánh dẫn một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Y học và Khoa học Thể thao Scandinavia, với hơn 3.000 người 46-65 tuổi tham gia, kéo dài gần 13 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy nam giới có độ linh hoạt, dẻo dai thấp có nguy cơ tử vong cao gần gấp đôi so với người có chỉ số linh hoạt, dẻo dai cao; tỷ lệ này ở phụ nữ là gấp 5 lần.
Để cải nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, bác sĩ Ánh khuyến cáo người trung niên nên thường xuyên thực hiện các bài tập phù hợp như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, bơi... Đây là những hình thức vận động đơn giản, dễ thực hiện, giúp giảm gánh nặng cho khớp, rèn luyện cơ bắp toàn thân, cải thiện sức bền của tim mạch và phổi.
Tùy thể trạng và tuổi tác mà mỗi người có tần suất và thời gian tập luyện khác nhau. Người trung niên nên tập thể dục 3-5 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30-60 phút và cần nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt hoặc xuất hiện bất thường. Tập thể dục quá mức có thể dẫn đến chấn thương và hao mòn khớp, trong khi tập thể dục không đủ thì không thể cải thiện sức khỏe.
Trước khi tập luyện, cần khởi động kỹ, đầy đủ và thực hiện các bài tập thư giãn cơ bắp sau tập luyện. Quá trình tập cần đảm bảo đúng tư thế, kỹ thuật để tránh chấn thương. Chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể hoạt động bình thường. Nghỉ ngơi đầy đủ để phục hồi sự mệt mỏi về thể chất và nâng cao khả năng miễn dịch. Người trung niên nên khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi cảm thấy bất thường để bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |