Ngày 27/7, ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, bệnh viện này phẫu thuật điều trị cho hơn 700 trường hợp tổn thương dây chằng, tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Gần 50% người bệnh được thay dây chằng nhân tạo thế hệ mới.
Dây chằng nhân tạo được y khoa phát triển, sử dụng từ lâu, ngày càng được cải tiến về chất lượng, độ bền, tính ưu việt trong điều trị tổn thương đứt, rách dây chằng. Theo bác sĩ Vũ, hai thế hệ dây chằng trước đây rất dễ bị đứt, không có tính bền vững hoặc độ đàn hồi, mềm dẻo kém, dẫn đến cứng khớp gối, hạn chế tầm vận động của người bệnh.
Hiện, các bác sĩ bệnh viện Tâm Anh ứng dụng dây chằng nhân tạo thế hệ mới (thế hệ thứ ba) được tạo thành từ khoảng 3.000 sợi polyethylene terephthalate đơn bện lại với nhau. Độ bền tương tự với chất liệu của stent mạch vành, có thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể.
Dây chằng nhân tạo thế hệ mới có độ linh hoạt, mềm dẻo và khả năng chịu lực tốt. Sau khi đưa vào cơ thể, chúng trở thành cầu nối để các mô xơ do cơ thể sản sinh ra trong quá trình tự chữa lành bám vào, tạo thành một cấu trúc như dây chằng tự nhiên.
Khi tái tạo dây chằng bị tổn thương bằng dây chằng nhân tạo, người bệnh có thể đi lại sau mổ 1-2 ngày, chạy chậm sau hai tháng và chơi thể thao trở lại sau 6 tháng. Nhờ đó người bệnh tránh được tình trạng teo cơ sau phẫu thuật và sớm trở lại với các hoạt động thường ngày.
"Nếu tái tạo dây chằng bằng gân tự thân, thời gian phục hồi chậm hơn dây chằng nhân tạo", bác sĩ Vũ nói, thêm rằng điều này có thể gây teo cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này.
Như anh Tình, 40 tuổi, ba lần tái tạo dây chằng bằng gân tự thân trong hơn hai năm không thành công. Dây chằng chéo trước ở chân phải tái đứt, khớp gối lỏng lẻo, đi lại khó khăn. Sau những lần phẫu thuật trước, các gân tự thân có thể dùng để tái tạo dây chằng đã sử dụng hết, không còn nguyên liệu để tiếp tục điều trị.
Còn anh Bửu, 22 tuổi, bị đứt dây chằng do chơi thể thao nhưng chần chừ không điều trị. Anh cố gắng đi lại gần một năm làm nhiều mạch máu và gốc dây chằng bị tiêu biến, rách nhẹ sụn chêm ngoài, không thể điều trị bằng dây chằng tự thân.
Cả hai được phẫu thuật thay dây chằng nhân tạo thế hệ mới bằng kỹ thuật nội soi "all inside" (tất cả diễn ra bên trong). Bác sĩ Vũ đánh giá đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, ít mất máu, giảm tối đa tổn thương mô mềm, rút ngắn thời gian phục hồi. Bác sĩ có thể xử lý tổn thương ở dây chằng và các bộ phận khác như sụn chêm, gân, cơ... trong cùng một ca phẫu thuật nên người bệnh ít đau, khôi phục sức cơ và vận động trở lại sớm hơn.
Hai ngày sau phẫu thuật, tình trạng hai người bệnh ổn định, có thể đi lại nhẹ nhàng và không đau. Họ được tập phục hồi chức năng sớm để tránh biến chứng teo cơ, thúc đẩy khớp gối tăng cường tiết dịch nuôi dưỡng dây chằng nhân tạo.
Theo bác sĩ Vũ, dây chằng nhân tạo có tỷ lệ tái đứt nhất định sau phẫu thuật do nhiều nguyên nhân, như người bệnh có cấu trúc khớp với đường hầm mâm chày rộng, kỹ thuật mổ, chất liệu dây chằng chưa đảm bảo, nhiễm trùng, từng mổ dây chằng trước đó. Người bệnh lao động trở lại, chơi thể thao quá sớm hoặc cường độ quá mạnh, chưa tuân thủ đúng chương trình tập phục hồi chức năng, té ngã... cũng có thể làm đứt dây chằng. Dù có khả năng thích ứng cao với cơ thể nhưng dây chằng nhân tạo vẫn có thể làm phát sinh tình trạng phản ứng, đào thải, phân hủy... với tỷ lệ rất nhỏ. Khi bị tái đứt, tốc độ phục hồi của lần sau chậm hơn lần trước, nguy cơ tái đứt cao hơn.
Để phục hồi sau phẫu thuật, kéo dài tuổi thọ của dây chằng nhân tạo, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ trong tập phục hồi chức năng. Các bài tập này giúp nâng cao sức mạnh dây chằng, cải thiện sức cơ, sụn xương... để khớp gối có thể vận động nhịp nhàng. Tùy tình trạng cụ thể, người bệnh có các lộ trình tập luyện riêng biệt.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh được đánh giá tổn thương, theo dõi sát quá trình phục hồi bằng robot lượng giá dây chằng Dyneelax, tập luyện với dàn máy hiện đại, đánh giá sức mạnh chi dưới..., từ đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tăng cường sự vững chắc cho dây chằng.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |