Trả lời:
Anh uống bia rượu thường xuyên có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp. Lượng ethanol khiến cơ thể mất nước và rối loạn điện giải, gây đau nhức xương khớp, đau cơ sau khi sử dụng.
Bia rượu có chứa lượng đường nhất định, uống kèm với thức ăn giàu năng lượng dẫn đến rối loạn chuyển hóa, tăng cân. Thừa cân làm tăng áp lực lên các khớp, nhất là khớp gối, bàn chân... Hậu quả là đau nhức, tê mỏi và dễ chấn thương khớp. Thành phần gluten trong đồ uống có cồn là yếu tố kích hoạt cơn đau khớp, làm bùng phát triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp sớm.
Khi uống rượu bia, anh không cảm thấy thèm ăn là do thức uống này chứa lượng lớn calo rỗng, khiến cơ thể giảm hấp thu chất dinh dưỡng, dẫn đến ức chế hệ thống miễn dịch và viêm khớp nặng hơn.
Uống rượu thường xuyên tăng lắng đọng mỡ trong máu, hình thành các mảng xơ vữa, lượng máu cung cấp cho các mô xương giảm. Nếu anh không có biện pháp khắc phục có thể giảm tốc độ tạo xương, tăng tỷ lệ gãy xương và nguy cơ mắc bệnh viêm xương khớp, thoái hóa khớp sớm.
Ngoài các tác động trực tiếp, người ngồi nhậu lâu có thể đau lưng, đau khớp gối. Tư thế ngồi xổm, xếp bằng khiến máu lưu thông kém, các khớp dễ đau nhức hơn.
Anh không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày. Một đơn vị cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml, 100 ml rượu vang hoặc một chén rượu mạnh 30 ml.
Anh nên ăn no trước khi uống bia rượu, xen kẽ uống nước lọc để pha loãng độ cồn. Không uống quá nhanh khiến gan quá tải. Uống từ từ giúp cơ thể chuyển hóa tốt hơn, tránh nguy cơ ngộ độc. Tránh ngồi nhậu quá lâu với các tư thế căng thẳng cho khớp, giữ lưng thẳng. Không tự pha rượu bia với bất kỳ chất kích thích nào khác vì dễ gây ngộ độc, nôn.
Chế độ ăn uống đa dạng và khoa học, ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày, duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bổ sung các dưỡng chất chuyên biệt cũng giúp anh tái tạo sụn khớp, giảm viêm đau, làm chậm quá trình thoái hóa khớp như collagen type 2 không biến tính, collagen peptide thủy phân, eggshell membrane (chiết xuất màng vỏ trứng), turmeric root (chiết xuất từ củ nghệ), chondroitin sulfate...
Nếu anh đau khớp kéo dài hơn 5-7 ngày kèm dấu hiệu bất thường, cần đi khám bác sĩ cơ xương khớp để được tư vấn điều trị.
Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến
Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp. |