ThS.BS Vũ Yên Khánh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người bệnh thoái hóa khớp nên ăn uống lành mạnh để tăng cường dinh dưỡng cho xương, cơ, khớp, giúp cơ thể chống viêm.
Dưới đây là một số dưỡng chất nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày để giảm đau nhức, sưng.
Omega 3
Axit béo omega-3 giúp hạn chế sản xuất enzyme cytokine phá vỡ sụn, kháng viêm, giảm sưng khớp. Omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá cơm, hàu, trứng cá, hạt chia, đậu nành, quả hạch (óc chó, hạnh nhân, mắc ca). Người trưởng thành nên cung cấp 250-500 mg omega-3 mỗi ngày.
Vitamin
Vitamin C giúp tạo sụn, bảo vệ xương khớp, chống oxy hóa, có nhiều trong trái cây như đu đủ, ổi, dứa, cam, bưởi, dưa lưới, dâu tây. Rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh, cải xoăn, ớt chuông, cà chua cũng giàu vitamin C. Mỗi ngày, người bệnh thoái hóa khớp nên ăn khoảng 100 g trái cây để cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể.
Vitamin Dhấp thụ canxi, giảm phá vỡ sụn, giảm nguy cơ thu hẹp không gian khớp. Bác sĩ Khánh dẫn các nghiên cứu cho thấy người có canxi trong máu cao thì mức độ tổn thương xương khớp thấp hơn.
Nên tăng cường vitamin D cho cơ thể bằng cách tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ăn thực phẩm giàu vitamin D và canxi như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, tôm, trứng, ngũ cốc, đậu hũ, sữa và các chế phẩm từ sữa.
Vitamin K tham gia vào quá trình tổng hợp protein quan trọng của hệ xương, cải thiện sức khỏe xương. Rau cải, bông cải, bắp cải, dầu đậu nành, dầu ô liu nhiều vitamin K.
Curcumin
Hoạt chất curcumin có chủ yếu trong nghệ, có thể ức chế các hóa chất gây viêm, tốt cho người bệnh viêm xương khớp.
Polyphenol
Polyphenol trong trà xanh chống oxy hóa mạnh, tiêu diệt gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa hiệu quả. Uống trà xanh không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ kiểm soát loãng xương.
Isoflavone
Đây là chất chống oxy hóa thường có đậu nành, ngăn ngừa loãng xương, hỗ trợ tăng mật độ khoáng ở các đốt sống lên nhiều lần. Khi tăng lượng đậu nành trong chế độ dinh dưỡng, người bệnh còn nhận được nhiều vitamin A, B1, canxi, sắt, đạm thực vật.
Để kiểm soát tốt thoái hóa khớp, người bệnh nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối, đồ đóng hộp, chiên xào vì có thể thúc đẩy quá trình lão hóa, làm viêm nặng hơn, xương yếu, dễ gãy hơn.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bác sĩ Khánh khuyến cáo người bệnh thoái hóa khớp nên vận động thường xuyên, vừa sức; thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường ở khớp.
Phi Hồng
Độc giả có thắc mắc về bệnh cơ xương khớp gửi câu hỏi tại đây.