Theo trang thông tin sức khỏe WebMD, 200-300 mg caffein tương đương 2-3 tách cà phê mỗi ngày là lượng vừa phải và an toàn ở người lớn. Caffeine kích thích hệ thống thần kinh trung ương và giúp cơ thể tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, đồ uống này cũng có thể gây ra một số tác động gồm thay đổi nhịp thở, nhất là ở những người bị rối loạn hô hấp.
Uống nhiều caffeine hơn mức khuyến nghị có thể gây ra vấn đề cho người mắc bệnh tim. Vì hàm lượng caffeine cao hoặc dùng quá liều có thể tạm thời làm tăng nhịp tim, huyết áp, gây ra khó thở. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) liệt kê một số tác dụng phụ liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều caffeine bên cạnh nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh bao gồm: mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, đau bụng, buồn nôn và đau đầu... Những tác dụng phụ này có thể xuất hiện sau khi dùng món ăn hoặc thức uống chứa caffeine trong khoảng 15 phút đến 2 giờ hoặc kéo dài hơn nữa.
Tình trạng khó thở không nên xem nhẹ, nhất là ở người mắc các bệnh lý gây ra các vấn đề về hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, ung thư phổi... COPD bao gồm các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, khí phế thũng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người mắc các bệnh này cũng được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống. Theo báo cáo của Cleveland Clinic, chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh kết hợp với hạn chế lượng caffeine có thể mang lại lợi ích. Nguyên nhân là vì cà phê có thể làm tăng nhịp thở nên có nguy cơ gây căng thẳng cho tim, phổi, trầm trọng thêm các triệu chứng với người đã bị khó thở. Ngoài ra, caffeine có thể tương tác với các loại thuốc điều trị.
Nếu lo ngại sử dụng caffeine ảnh hưởng đến nhịp thở, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Nếu bạn gặp các vấn đề về hô hấp sau khi sử dụng caffeine thì nên hạn chế hoặc không dùng caffeine. Lưu ý giảm lượng tiêu thụ caffein dần để tránh gặp phải các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu và căng thẳng. Một tách cà phê 240 ml có từ 80-100 mg caffeine. Một lon nước ngọt 360 ml, nước tăng lực 240 ml có lần lượt là 30-40 mg, 250 mg caffeine.
Nếu bạn vẫn tiếp tục gặp vấn đề về hô hấp ngay cả khi đã bỏ caffeine thì nên đi thăm khám. Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) khuyến cáo, một người nên đi khám chuyên khoa nếu khó thở xảy ra đột ngột, mạn tính hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày; nhất là khi kèm theo một số triệu chứng như thở dốc, đau ngực, buồn nôn, mất tỉnh táo...
Bảo Bảo (Theo WebMD, Livestrong)