Trả lời:
U máu là khối u lành tính hay gặp nhất ở gan, được tạo thành bởi một mạng lưới mạch máu trong gan. Thông thường u máu gan có kích thước dưới 5 cm, không gây ra triệu chứng và không cần điều trị. Hầu hết các trường hợp phát hiện khối u khi bệnh nhân điều trị một bệnh lý khác hoặc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một người có thể có một hoặc nhiều u máu trong gan. Bệnh xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam giới, có thể gặp cả ở người khỏe mạnh. Trẻ nhỏ cũng có thể có u máu gan, tuy hiếm gặp.
Một số ít trường hợp khối u phát triển lớn hơn 10 cm hoặc có vị trí nằm gần bao gan hoặc lồi ra bao gan, gây chèn ép, có huyết khối hoặc các giả phình mạch bên trong khối u. Lúc này, người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau tức vùng hạ sườn phải do khối u gây căng giãn bao glisson hoặc do chèn ép; đầy bụng sau ăn; chán ăn, ăn nhanh no; nôn hoặc buồn nôn. Những khối u kích thước lớn có thể bị vỡ, chảy máu trong ổ bụng, dẫn đến đau bụng dữ dội, đe dọa tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây u máu gan đến nay chưa rõ. Song, một số nghiên cứu cho thấy, u máu gan có thể là do di truyền, dị tật bẩm sinh, phụ nữ mang thai tăng nồng độ estrogen trong máu hoặc phụ nữ mạn kinh điều trị hormone thay thế. Việc lạm dụng thuốc tránh thai, thuốc làm đẹp da... có liên quan đến sự phát triển của u máu.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy u máu gan không điều trị có thể dẫn đến ung thư gan. Khi phát hiện có khối u trong gan, người bệnh cần siêu âm, đánh giá lại đó có phải u máu hay không bằng chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, tránh trường hợp nhầm lẫn với các tổn thương ác tính, nhất là người có tổn thương gan mạn tính như viêm gan hoặc xơ gan.
Hiện chưa có thuốc có thể điều trị làm tiêu hoặc giảm kích thước khối u máu trong gan. Việc điều trị căn cứ vào vị trí, kích thước khối u. Nếu u máu trong gan kích thước lớn và lớn nhanh hơn 3 mm mỗi năm hoặc gây triệu chứng đau, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp điều trị. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác nhau như nút mạch ngăn chặn cung cấp máu đến nuôi khối u, phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Trường hợp bạn có u máu gan cần xác định chẩn đoán chính xác có phải u máu hay không, nếu u máu kích thước trên 5 cm cần theo dõi định kỳ 6- 12 tháng một lần để kiểm tra sự tăng trưởng của khối u. Bạn nên tránh sử dụng rượu bia, hút thuốc lá; duy trì rèn luyện thể dục thể thao; tăng cường ăn rau xanh và chất xơ, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ để giảm nguy cơ tổn thương gan.
Bạn cũng nên tránh dùng thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm làm đẹp da chứa hormone estrogen, thuốc tránh thai để hạn chế sự phát triển của khối u. Nếu kích thước khối u lớn, bạn nên cẩn trọng trong sinh hoạt, đi lại, tránh va đập vùng hạ sườn phải có thể gây vỡ khối u. Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đi khám chuyên khoa Tiêu hóa sớm để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội