Kết quả chụp CT của ông Hùng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy khối u gan đa ổ. Ổ lớn nhất có kích thước 6,9x12x17,8 cm, các ổ nhỏ có kích thước 1x2 cm. Dịch máu trong ổ bụng lượng nhiều, khoảng một lít máu.
Ngày 15/5, BS.CKI Đặng Thị Oanh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Hùng bị sốc mất máu, có dấu hiệu xuất huyết hoạt động ở cạnh ngoài gần bờ dưới hạ phân thùy VI, nằm sát một tổn thương u gan, từ nhánh của động mạch gan phải.
Chẩn đoán ông Hùng bị sốc mất máu do máu chảy vào trong ổ bụng, các bác sĩ hồi sức, truyền máu, chụp và can thiệp nút mạch cầm máu cấp cứu.
ThS.BS Phan Hoàng Vĩnh Phú, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang Can thiệp, cho biết trong ca can thiệp kéo dài hơn một giờ, ê kíp đưa một ống thông siêu nhỏ từ động mạch đùi bệnh nhân di chuyển trong lòng mạch tiếp cận đến khối u gan và vị trí chảy máu. Sau đó, họ dùng vật liệu chuyên dụng được đưa theo ống thông để bít tắc các mạch máu đang vỡ, cầm máu. Sau can thiệp, huyết động của bệnh nhân cải thiện tốt.
Xuất huyết cấp tính có thể dẫn đến tình trạng sốc mất máu, làm tổn thương đến các cơ quan và suy đa tạng. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, tình trạng sốc có thể gây ra các tổn thương không hồi phục hoặc dẫn đến tử vong. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và nguyên nhân gây xuất huyết mà các bác sĩ hội chẩn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các trường hợp u gan vỡ gây chảy máu cấp trong ổ bụng, trước đây bệnh nhân thường phải trải qua cuộc phẫu thuật phức tạp. Nay, nút mạch cầm máu là lựa chọn tối ưu giúp giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân, giảm thời gian nằm viện.
Bác sĩ Phú đánh giá can thiệp nội mạch hiện là phương pháp xâm lấn tối thiểu, an toàn, hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị xuất huyết trong ổ bụng. Phương pháp này còn giúp bệnh nhân tránh được một cuộc mổ lớn, nhất là khi có nhiều bệnh nền, khả năng hồi phục kém.
Trung Đức
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |