Ông Hùng được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM truyền dịch và 4 đơn vị máu (khoảng 1.000 ml) để hồi sức tích cực ngay khi nhập viện. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT), nội soi đại tràng của ông cho thấy túi thừa ở đại tràng góc gan đang chảy máu.
Ngày 3/5, TS.BS Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết trường hợp này cần can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn xuất huyết và tái xuất huyết sau đó. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng xuất huyết có thể khiến bệnh nhân mất máu, tụt huyết áp, nguy cơ tử vong. Số ít có thể tự cầm máu, nhưng nguy cơ tái phát cao (trên 50%), như ông Hùng trước đó từng hai lần xuất huyết.
Ông Hùng có vị trí túi thừa xuất huyết khó tìm nên phương pháp điều trị qua nội soi và dùng dụng cụ clip kẹp vào vị trí xuất huyết tại túi thừa không hiệu quả. Người bệnh được chỉ định thắt túi thừa bằng vòng thắt cao su (endoscopic band ligation) trong quá trình nội soi. Trường hợp điều trị nội soi không đáp ứng, người bệnh phải cắt đoạn đại tràng có chứa túi thừa xuất huyết hoặc can thiệp tắc mạch máu. Hai cách điều trị này xâm lấn và phức tạp hơn. May mắn ông Hùng đáp ứng với điều trị nội soi.
Theo bác sĩ Bình, phương pháp thắt vòng cao su mang lại hiệu quả cao, ít tái phát. Trong 10 phút can thiệp, tình trạng chảy máu của ông Hùng hết. Sức khỏe người bệnh dần ổn định, ăn uống bình thường sau một ngày và xuất viện sau hai ngày.
Viêm túi thừa đại tràng là biến chứng hay gặp nhất của bệnh túi thừa đại tràng, có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của ống tiêu hóa, trong đó thường gặp ở túi thừa đại tràng. Xuất huyết túi thừa đại tràng là nguyên nhân phổ biến của chảy máu đường tiêu hóa dưới cấp tính, cần điều trị sớm, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Xuất huyết túi thừa ở mức độ nặng có thể làm tổn thương viêm loét ăn mòn thành đại tràng, ảnh hưởng đến mạch máu đi qua cổ và đáy của túi thừa, gây chảy máu nhanh dẫn đến thiếu máu trầm trọng.
Bác sĩ Bình cho biết bệnh thường nguy hiểm ở người trên 65 tuổi, có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ khuyến cáo người có triệu chứng đại tiện phân máu (màu nâu hoặc đỏ tươi), đau quặn bụng, chướng bụng, mạch nhanh, huyết áp thấp, tiểu ít, thay đổi ý thức... cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |