Sau một tuần uống thuốc giảm phù nề, kháng sinh, ông Nguyễn Văn Vũ (70 tuổi, quận Tân Bình) vừa được vợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tái khám. TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, kiểm tra thấy nốt u đã xẹp, đóng mài, không còn đau.
Nghe bác sĩ đọc kết quả, ông nắm chặt tay vợ, thở phào: "Tôi lo bị ung thư đến mất ngủ". Ông tìm mua thuốc chữa mất ngủ trên mạng, uống hết đơn này đến đơn khác vẫn không thể nào chợp mắt. Ông còn nổi nhiều đồi mồi do tác dụng phụ của thuốc chữa mất ngủ đang uống.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 9, nốt mụn cũ dưới cổ của ông đau râm ran lan lên mang tai. Nốt mụn rớm dịch, hết bong rồi lại đóng mài, chỉ cần cử động nhẹ cũng bong mài. 2 tháng trước, ông được bác sĩ ở bệnh viện khác tiểu phẫu nốt mụn này nhưng không khỏi. Kết quả giải phẫu bệnh tại Bệnh viện Tâm Anh cho thấy u nhú lành tính.
Bà Tiên (vợ của ông Vũ) chia sẻ, dù có 15 năm làm y tá, bà lo lắng khi chồng vừa mổ bướu cổ, thoái hóa cột sống, thay hai đĩa đệm, mổ trĩ, tiết niệu... nay nốt mụn cũ rớm dịch, gây đau. Đó là lý do bà quyết định tìm một địa chỉ uy tín để điều trị cho chồng.
Ông Vũ là một trong số bệnh nhân mắc bệnh da liễu thông thường mà cứ tưởng ung thư. Cách đây vài ngày, bác sĩ Bích cũng chẩn đoán và điều trị bệnh tăng sừng tiết bã cho bệnh nhân Nguyễn Hữu Quốc (49 tuổi, Thủ Đức). Mặt trong cẳng chân trái của anh nổi nốt đỏ. Chỉ trong 3 tháng, nốt đỏ từ một cm tăng kích thước gấp 5 lần, kèm tróc vảy nên anh lo bị ung thư.
Qua thăm khám, bác sĩ Bích nhận thấy có tình trạng hồng ban tróc vảy, xâm lấn nhanh nhưng không đau. Bác sĩ nghĩ tới 2 trường hợp: người bệnh bị nấm hoặc ung thư tế bào vảy giai đoạn đầu. Bác sĩ cạo nấm xét nghiệm, sinh thiết vị trí tổn thương cho kết quả tăng sừng tiết bã. Người bệnh được chỉ định dùng thuốc bôi, tránh nắng chiếu trực tiếp. Sau hai tuần, nốt đỏ không tăng kích thước, không còn tróc vảy.
Bác sĩ Bích khuyên khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên da, người bệnh nên đi khám ngay, tránh ảnh hưởng đến tâm lý hoặc tự mua thuốc điều trị. Nhiều người bệnh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám tưởng ung thư nhưng hóa ra bệnh da liễu thông thường, khỏi bệnh ngay sau điều trị.
"Nếu không may bị ung thư da, người bệnh cũng không nên quá lo lắng, có thể khỏi nếu điều trị sớm. Ung thư da thường gặp ở người già, 90% trường hợp xuất hiện ở vùng mặt", bác sĩ Bích nói.
Nguyên nhân ung thư da chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia cực tím, làm da tổn thương, dẫn đến sự phát triển bất thường của tế bào da. Người bị ung thư da thường có vết loét tăng kích thước quá nhanh, không lành hoặc nốt ruồi trên da, thay đổi về màu sắc và kết cấu da, kích thước không đối xứng, bề mặt sần sùi có thể kèm chảy máu, phát triển lớn nhanh và/hoặc lan rộng dần theo thời gian... Tuy nhiên, một số loại ung thư khác cũng khiến da thay đổi về màu sắc, tính chất. Ví dụ, tình trạng da sẫm màu, vàng da, ngứa da, nổi các nốt đỏ như phát ban là triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư ở gan, buồng trứng, thận hoặc hạch.
Phòng ung thư da bằng cách dùng kem chống nắng, đeo kính mát, khẩu trang chống nắng, áo khoác chống tia UV. Người có da sáng nên lựa chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao, từ 50 trở lên; da sẫm màu có thể dùng kem chống nắng SPF 30. Người mắc bệnh ung thư da chủ yếu do tắm nắng, phơi nắng, làm công việc ngoài trời và cần khám sức khỏe định kỳ. Thông qua chẩn đoán, xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang hay sử dụng máy soi da; bác sĩ sẽ thấy nhiều mạch máu nhỏ nuôi các nốt da hay đốm da (do hiện tượng tăng sinh mạch máu)... để đưa hướng điều trị phù hợp.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Hoàng Trang