Ung thư da phổ biến hơn ở những người da sáng hơn nhưng những người có làn da sẫm màu vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Trong mùa hè khi tia cực tím (UV) hoạt động mạnh, các bác sĩ da liễu khuyến cáo mọi người nên bảo vệ làn da.
Bác sĩ da liễu Adotama (Bệnh viện NYU Langone Health) chia sẻ trên Very Well Health, những người da màu ít bị tổn thương bởi tia UV, gây đột biến tế bào bởi vì họ có nhiều hắc tố bảo vệ da hơn. Tuy nhiên, họ vẫn có thể bị ung thư da, nhất là khi họ không thực hiện các biện pháp bảo vệ làn da. Tia UV dẫn đến tổn thương tế bào và một số loại da không có khả năng sửa chữa tổn thương cũng là nguyên nhân gây ung thư.
Bác sĩ da liễu Massick (Đại học Bang Ohio) cho biết thêm, da càng sáng thì khả năng chống lại tia UV cường độ cao càng kém. Da sáng cũng dễ bị cháy nắng hơn. Tiếp xúc với tia cực tím và các vết cháy nắng phồng rộp làm tăng nguy cơ ung thư da. Bác sĩ Adotama lưu ý về nguy cơ mắc ung thư da, cách bảo vệ và thời điểm nên thăm khám da liễu.
Các loại ung thư da phổ biến
Có ba loại ung thư da phổ biến bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư tế bào hắc tố.
Ung thư biểu mô tế bào đáy: là loại ung thư da phổ biến nhất và thường phát triển ở những người có nước da sáng hơn như người có làn da sáng, tóc vàng, tóc đỏ, mắt xanh. Loại ung thư da này thường gặp ở người gốc Tây Ban Nha, Trung Quốc và Nhật Bản.
Ung thư biểu mô tế bào vảy thường phát triển do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc rám nắng nhiều năm. Loại ung thư này thường được tìm thấy ở đầu, cổ và cánh tay nhưng có thể hình thành ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể bao gồm cả ở bẹn, chân hoặc nách.
Ung thư biểu mô tế bào vảy: là loại ung thư da phổ biến thứ hai và xảy ra ở những người có nước da sáng, tuy nhiên, những người có màu da sẫm hơn cũng có nguy cơ. Đây là loại ung thư da phổ biến ở người Mỹ gốc Phi. Tiếp xúc lâu dài và tích lũy bức xạ UV từ mặt trời hoặc giường tắm nắng là những nguyên nhân phổ biến gây bệnh. Loại ung thư này có xu hướng hình thành trên các bộ phận của cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nhất như vành tai, mặt, cổ, cánh tay, ngực và lưng.
Ung thư hắc tố: ít phổ biến hơn các loại ung thư da khác nhưng là dạng ung thư da nguy hiểm nhất vì nó có xu hướng lan rộng. Ung thư da thường xuất hiện dưới dạng các nốt ruồi đã có sẵn trên da hoặc có thể đột ngột phát triển thành một đốm đen trên da. Ung thư hắc tố thường do tiếp xúc với ánh nắng gay gắt dẫn đến cháy nắng. Sử dụng giường tắm nắng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư da này.
Ung thư hắc tố có thể xuất hiện trên bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, nhất là những vùng thường không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cách bảo vệ làn da trong mùa hè
Theo bác sĩ Massick, một trong những cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư da là bôi kem chống nắng. Nó còn góp phần ngăn ngừa những thay đổi do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như tàn nhang, sự đổi màu của da, tăng nếp nhăn, lão hóa sớm và ung thư da. Bạn nên chọn loại kem chống nắng phổ rộng nào phù hợp với da. Kem chống nắng với chỉ số SPF 30+ để sử dụng hàng ngày và 50+ khi cần ra ngoài trời hoạt động kéo dài.
Bác sĩ Massick và bác sĩ Adotama đều khuyên mọi người nên thoa kem chống nắng khoảng 10-15 phút trước khi ra ngoài trong ngày hoặc tham gia bất kỳ hoạt động ngoài trời. Bạn nên thoa lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ, nhất là khi bạn tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời, sức nóng, đổ mồ hôi hoặc bơi lội. Sau thời gian này, bạn nên thoa lại kem.
Ngoài việc thoa kem chống nắng, còn có những cách khác để ngăn ngừa cháy nắng và ung thư da như tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục hoặc kéo dài, tắm nắng và những giờ nắng gay gắt vào khoảng từ 10h-15h.
Mọi người cũng có thể sử dụng các công cụ hoặc vật dụng chống nắng khác như mũ, ô, kính râm ngăn tia cực tím, đồ bơi hoặc quần áo có yếu tố bảo vệ tia cực tím (UPV) để bảo vệ da khỏi cháy nắng và ung thư da. Nâng cao nhận thức là cách quan trọng khác để ngăn ngừa cháy nắng và ung thư da.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên da thì nên đến gặp bác sĩ da liễu. Các dấu hiệu như nốt ruồi có hình dạng, màu sắc bất thường, vết loét chảy máu không lành trong vài tuần, mụn cơm, một mảng màu đỏ đóng vải hoặc chảy máu, có hơn 100 nốt ruồi trên cơ thể.... Bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tầm soát ung thư da nếu những nốt, vết sưng hoặc nốt ruồi mới hoặc đang mở rộng trên da.
Adotama cho biết những người có nước da sáng hơn hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư da nên đến bác sĩ da liễu thường xuyên vì họ có nguy cơ phát triển ung thư da cao hơn.
Kim Uyên
(Theo Very Well Health)