Tế bào vảy là những tế bào mỏng, phẳng tạo nên lớp ngoài cùng của da người. Tế bào vảy cũng được tìm thấy trong các bộ phận khác của cơ thể như phổi, màng nhầy, đường tiêu hóa và đường tiết niệu. Do đó, ung thư tế bào vảy không chỉ xuất hiện ở các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) có trong ánh nắng như đầu, mặt, cổ, cánh tay mà còn ở miệng, phổi và các bộ phận khác.
Dấu hiệu nhận biết ung thư tế bào vảy
Những dấu hiệu này có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên cơ thể, đặc biệt là các bộ phận tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím như mặt, tai, cánh tay và bàn tay. Tuy nhiên, ung thư cũng có thể xuất hiện trong miệng, xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục.
Ung thư tế bào vảy hình thành các mảng vảy đỏ hồng, đốm nâu đen hoặc hơi vàng, trắng. Ngoài ra, sự xuất hiện mụn thịt, các vết loét hở mới xuất hiện hoặc trên vết sẹo cũ, bớt, nốt ruồi... đều có thể là dấu hiệu của loại ung thư này. Khi xuất hiện ở miệng, ung thư tế bào vảy có thể gây ra vết loét môi hoặc miệng không lành, các mảng sần sùi, răng lung lay, miệng đau và xuất hiện mảng trắng hoặc hơi đỏ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bức xạ tia cực tím là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đột biến DNA dẫn đến ung thư tế bào vảy. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác như:
Di truyền: nghiên cứu của Viện y tế Quốc gia Mỹ cho thấy, những người có tiền sử gia đình bị ung thư tế bào vảy sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Hút thuốc lá: theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính phát triển ung thư tế bào vảy ở môi và ở phổi.
Phơi nhiễm hóa chất: tiếp xúc với một số hóa chất như nhựa than đá, parafin, một số sản phẩm dầu mỏ và asen có thể góp phần tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy .
Tiếp xúc với bức xạ: thực hiện xạ trị có nguy cơ phát triển ung thư da ở phần cơ thể bạn đã được điều trị.
Ức chế miễn dịch: có nguy cơ gây ung thư tế bào vảy. Theo Viện Ung thư Mỹ, những người nhận cấy ghép nội tạng có nguy cơ từ 65 đến 250 lần so với người khác. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS có nguy cơ phát triển các dạng ung thư tế bào vảy nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, nguy cơ ung thư tế bào vảy xảy ra cao hơn với người da trắng, tóc sáng màu, mắt xanh. Những người tiếp xúc lâu dài với bức xạ UV, sinh sống ở những vùng nhiều nắng hoặc ở độ cao, tiếp xúc với hóa chất thường xuyên, hoặc từng bị sẹo bỏng nặng.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ mắc ung thư tế bào vảy, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là vào thời điểm nóng nhất trong ngày, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều; thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 phút khi ra nắng; đeo kính râm chống tia UV; đội mũ và che chắn da khi làm việc ngoài trời; tránh sử dụng giường và đèn tắm nắng. Bạn nên chú ý bảo vệ làn da trong mùa đông vì tia UV mùa đông có thể nguy hiểm. Kiểm tra da mỗi tháng để phát hiện những dấu hiệu bất thường, thăm khám định kỳ với bác sĩ da liễu mỗi năm một lần rất cần thiết.
Theo Quỹ Ung thư da Mỹ, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu người phát hiện ung thư tế bào vảy. Bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm khối u có thể phát triển và lây lan sang các bộ phận khác gây biến chứng.
Nếu được phát hiện sớm trước khi lan rộng, ung thư tế bào vảy có thể được điều trị thành công. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ, kiểm tra da định kỳ để chắc chắn rằng tế bào ung thư không xuất hiện trở lại. Nếu không được điều trị trong giai đoạn đầu, ung thư có thể lây lan sang các khu vực khác của cơ thể, bao gồm các hạch bạch huyết và các cơ quan nguy hiểm tính mạng.
Thuận Lê
(Theo Healthline)