Người bị hen suyễn kèm tức ngực có thể bị trở nặng và khởi phát nhiều triệu chứng khác nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng bộc phát, chứng hen suyễn chuyển biến tiêu cực.
Về triệu chứng, đau tức ngực có thể là một hệ quả khó chịu và kéo dài của bệnh hen suyễn. Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân có thể ho ra đờm hoặc tốn sức để có thể ho ra đờm. Người bệnh cũng gặp phải tình trạng thở khò khè thành tiếng (tiếng khò khè phát ra từ mũi, cổ họng hoặc cảm nhận khò khè vùng ngực) dẫn đến đau tức lồng ngực. Bệnh lý gây khó ngủ, dễ mệt khi vận động (thậm chí là vận động nhẹ), tức ngực. Người bệnh thường xuyên hắng giọng.
Một triệu chứng khác của chứng tức ngực hen suyễn là người bệnh bị nghẹt mũi, đối mặt với chứng chảy dịch nước mũi sau trong khi bị tức ngực. Triệu chứng cũng có thể bùng phát khi dị ứng xuất hiện; gây ho, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, phát ban đỏ, ngứa, hoặc chảy nước mắt. Những triệu chứng này cũng có thể gây sốt khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Một số nguyên nhân sau có thể khiến bệnh nhân hen suyễn đối mặt với tình trạng đau tức ngực:
Nhiễm trùng và viêm mũi dị ứng
Nhiễm trùng và viêm mũi dị ứng khiến tình trạng viêm trở nặng, hệ hô hấp phải sản xuất nhiều chất nhầy hơn, gây nghẹt ở ngực, cổ họng và nghẹt mũi, dẫn đến hen suyễn. Nghiên cứu đăng trên thư viện Y tế Biomed Central cho thấy, dị ứng mũi không được điều trị đúng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bệnh hen suyễn trở nặng. 80% người mắc bệnh hen suyễn cũng bị dị ứng hoặc viêm mũi dị ứng.
Nhiễm trùng hệ hô hấp có thể gây xuất hiện phù nề phổi do tình trạng viêm quá mức (có thể nhìn thấy bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh). Dịch tiết do phù nề gây ra cảm nhận bị tắc nghẽn cho người bệnh, gây tăng nguy cơ mắc bệnh phổi. Virus và vi khuẩn dễ bị mắc kẹt trong phổi - sinh sôi và gây hại cho phổi. Ho có đờm lúc này là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng đẩy chất nhầy bị tích tụ ra khỏi phổi.
Hệ hô hấp tích tụ đờm
Chất nhầy trong hệ hô hấp giúp loại bỏ các loại vi khuẩn xấu tuy nhiên, lượng đờm bị sản xuất dư sẽ dẫn đến tắc nghẽn ở vùng hô hấp chúng tích tụ. Đó thường là phổi, cổ họng hoặc đường mũi. Người bị hen suyễn có thể gặp khó khăn khi thải chất nhầy ra ngoài, dẫn đến tích tụ đờm quá mức. Chất nhầy còn bị tích tụ dẫn đến bùng phát hen suyễn kèm tức ngực bởi các yếu tố như viêm phổi, thu hẹp phế quản (co thắt phế quản) và thu hẹp phế quản đột ngột trong cơn hen suyễn. Phế quản bị viêm và co thắt khiến chất nhầy khó được đào thải ra ngoài gây tích tụ.
Khi bị tức ngực do hen suyễn, bác sĩ sẽ xem xét thể trạng bệnh nhân để xác định xem người bệnh có bị dị ứng hoặc nhiễm trùng không, hỏi về tiền sử sinh hoạt (nếu chẳng may người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát hen suyễn). Bệnh nhân có thể được yêu cầu khám sức khỏe, như kiểm tra nhiệt độ, mạch và nhịp thở. Sốt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bệnh nhân thường không bị sốt nếu bị dị ứng theo mùa. Thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nặng hoặc cơn hen suyễn sắp xảy ra.
Xét nghiệm nuôi cấy đờm là một phương pháp khác, có thể giúp xác định liệu bạn có bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc đang điều trị bệnh mạn tính (như bằng thuốc kháng sinh hoặc liệu pháp kháng virus) hay không. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu chụp X-quang ngực hoặc chụp CT cắt lớp ngực (để xác định được các vùng trong phổi có bị phù nề, bị viêm, hoặc bị áp xe phổi hay không). Những tác nhân gây nhiễm trùng ở vùng đó có thể gây ra tắc nghẽn ngực nghiêm trọng dẫn đến khó thở và cần hỗ trợ y tế kịp lúc.
Thảo Vy (Theo Very Well Health)