Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Phàn nàn về xe buýt". Cấm xe máy sẽ không giải quyết được bất cứ một khía cạnh nào của vấn đề giao thông hiện nay. Để khuyến khích người dân đi xe buýt, rõ ràng là chúng ta cần thiết lập các "cánh tay nối dài" hiệu quả hơn, như là xe đạp và đi bộ; kết hợp với các đường chạy riêng cho xe buýt.
Nhưng hiện nay, ở Việt Nam, hạ tầng giao thông rất kém, vỉa hè cho người đi bộ bị lấn chiếm; người đi xe đạp cũng không có làn riêng và thường phải đi chung với xe máy, thậm chí ôtô (phân làn thiếu khoa học); làn riêng cho xe buýt quá ít; làn BRT đặt không hợp lý nên bị lấn chiếm rất nhiều...
Ngoài ra, chất lượng xe buýt hiện cũng rất tệ. Những chiếc buýt xì khói đen kịt vào người đi đường phía sau là một phần nguyên nhân làm nhiều người ác cảm với nó. Nhiều bác tài, phụ xe có thái độ phục vụ không tốt. Trong khi đó, Metro, tàu điện ngầm là những thành phần quan trọng nhất thì vẫn đang được triển khai ì ạch, chậm trễ.
Trong lúc chờ đợi hạ tầng đáp ứng cơ bản thì việc hạn chế xe cá nhân, theo tôi là không khả thi, cấm xe máy lại càng không ổn. Chúng ta chỉ có thể khắc phục tạm thời qua việc tổ chức lại giao thông ở các nút; phân lại làn tránh việc quá ưu ái cho ôtô cá nhân mà thiếu ưu tiên xe đạp, xe buýt; phạt nặng các trường hợp vi phạm giao thông; ngoài ra phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ, ở những nơi đảm bảo có thể thiết lập làn riêng cho xe đạp ngay trên vỉa hè.
Các giải pháp phải đồng bộ, phù hợp thì mới lôi kéo được người dân sử dụng các loại phương tiện này. Không phải là các giải pháp đặt nặng tính hành chính như cấm xe máy.
>> Đổ lỗi xe máy là nguyên nhân gây tắc đường
Việc bây giờ không phải là nghĩ đến khi nào cấm xe máy, vì sao phải cấm? Mà chúng ta phải tính đến quản lý ôtô, xe máy thế nào, khuyến khích người dân đi xe công cộng, xe đạp ra sao để họ tự giác từ bỏ xe cá nhân. Tổ chức giao thông cũng là một nhiệm vụ quan trọng để giảm ùn tắc.
Phân làn là đúng, nhưng cách phân làn hiện giờ quá ưu ái cho ôtô. Hà Nội có tuyến Võ Chí Công, Giải Phóng hiện có một làn riêng cho xe máy, một làn hỗn hợp cho xe máy và xe đạp nhưng giờ cao điểm rất hay bị lấn. Còn ở TP HCM, xe máy với số lượng rất lớn phải dồn vào 1-2 làn hỗn hợp làm tốc độ lưu thông giảm đi rất nhiều, trong khi số ít người đi ôtô được tăng tốc với 2-5 làn dành riêng. Khi tắc đường, ôtô có thể vào làn hỗn hợp, nhưng xe máy thì chạy đâu cho thoát?
Do đó, cách phân làn ở ta, theo tôi cần có thay đổi để phù hợp với giao thông, đảm bảo tốc độ cho người đi xe máy. Đó là đặt làn riêng cho xe máy ở giữa mặt đường, các làn riêng cho ôtô sẽ ở bên trái, làn hỗn hợp sẽ ở bên phải. Một số tuyến ở Đài Loan đã làm theo cách này (dù chỉ dùng vạch kẻ đường) nhưng rất hiệu quả. Điều đó giúp hạn chế tình trạng xe máy hết đường để đi, buộc phải leo lề. Mấu chốt ở đây là chúng ta phải quản được để xe máy không vào làn ôtô và ngược lại.
>> 'Không sớm cấm xe máy, TP HCM còn tắc dài'
Ngoài ra, chúng ta có thể nghiên cứu các giải pháp như rẽ trái hai giai đoạn, hay làn dừng đèn đỏ ưu tiên cho xe máy... Một phương án khác là xây các tuyến đường tránh chỉ dành cho xe máy dọc các tuyến đường ôtô. Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, đó cũng là một phần nguyên nhân quyết định sự thành bại của các phương án tổ chức giao thông từ cơ quan có thẩm quyền.
Nói về đề án cấm xe máy, cứ hình dung giờ tỷ lệ khoảng 2-3 chiếc xe máy biến thành ôtô thì có lẽ hai thành phố Hà Nội và TP HCM sẽ chỉ còn đủ đất để mà đỗ ôtô. Nhưng ôtô cá nhân thì đúng là khó mà cấm được. Do vậy cần hạn chế ôtô khẩn cấp ngay từ lúc này, lấy lợi nhuận từ đó để nâng cấp giao thông công cộng. Khi nào hạ tầng đáp ứng cơ bản thì sẽ tiếp tục hạn chế xe máy (theo kinh nghiệm từ các quốc gia có nhiều xe máy trên thế giới).
Đặc biệt, không nên có cái khái niệm "cấm" vì điều đó sẽ đánh thẳng vào sinh kế của người nghèo, gây bất bình đẳng xã hội (chưa xét đến mặt giao thông sẽ càng căng thẳng khi người dân đổ xô đi mua ôtô, xe đạp điện; quy hoạch nhiều ngõ ngách...).
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net