Tôi rất đồng tình với với quan điểm của tác giả bài viết"Vì sao người Việt mãi quanh quẩn với xe máy?". Rất tiếc, những người nghĩ được như vậy vẫn còn quá ít, không thể thay đổi được lối suy nghĩ của phần đông những người đang "ôm" xe máy. Họ đòi hỏi hệ thống giao thông công cộng phải thật tốt thì mới chịu bỏ xe máy để đi xe công cộng. Nhưng hỡi ôi, với số lượng xe máy trên đường khủng khiếp như hiện nay, cả trăm năm nữa hệ thống giao thông công cộng cũng không cách nào phát triển được, chứ đừng nói là ưu việt.
Xe buýt rất cần một làn riêng để có thể di chuyển nhanh chóng và đến đúng giờ. Những vấn đề khác như nhân viên mất lịch sự hay chạy ẩu đều có thể thay đổi được một cách dễ dàng. Chuyện hàng đầu là phải đấu tranh cho xe buýt có làn riêng, không bị phương tiện cá nhân giành đường mà thôi.
Để cho những ai phản đối việc cấm xe máy hiểu rõ hơn, tôi xin lấy ví dụ về giao thông ở New York. Lượng xe cá nhân và dân số ở New York thực tế còn kinh khủng hơn ở TP HCM hay Hà Nội rất nhiều. Nhưng ngay trung tâm thành phố New York, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những con đường mà mỗi bên chỉ có hai làn: một làn dành riêng cho xe buýt (được tô màu khác biệt) và một làn dành cho xe cá nhân, tư nhân.
Tất nhiên, họ không cấm ai chạy vào những con đường đó, nhưng chỉ được chạy trên đúng làn quy định cho xe của mình mà, không được phép làm ảnh hưởng đến phương tiện công cộng. Hẳn là bạn có thể dễ dàng tưởng tượng, làn đường dành cho xe cá nhân ùn tắc nghiêm trọng đến mức độ nào? Nhưng họ vẫn chấp nhận những bất tiện đó, bởi đây là lý do để khiến người dân buộc phải bỏ xe cá nhân, chuyển sang dùng giao thông công cộng. Và hệ quả tất yếu là xe buýt bên đó chạy đến và đi rất đúng giờ, tốc độ được cải thiện đáng kể.
Do đó, muốn nâng cấp hệ thống giao thông công cộng thì chúng ta bắt buộc phải dành một làn riêng cho xe buýt. Vậy thì xe buýt mới chạy nhanh và đúng giờ được. Còn ai muốn đi xe máy hay ôtô, gặp cảnh kẹt xe cũng phải ráng chịu. Không thể chấp nhận bất cứ hành vi chạy vào làn của xe buýt. Còn nếu không muốn tắc đường thì hãy đi xe buýt và các phương tiện công cộng. Và như mọi nơi trên thế giới, xe buýt sẽ không chạy vào các con đường nhỏ, ai ở trong đó phải chịu khó đi bộ ra để bắt xe chứ không thể lười.
>> 'Người Việt không thể mãi cố chấp với xe máy'
Thực tế, phát triển Metro mất rất nhiều thời gian và phương tiện này cũng khó trải rộng và linh hoạt được như xe buýt. Nếu chịu làm, và làm thật quyết liệt, tôi tin chỉ trong vòng 2-3 năm chúng ta có thể phủ kín xe buýt trên nhiều tuyến đường chính ở Việt Nam. Chỉ cần dứt khoát dành một làn riêng cho xe buýt mà thôi.
Nhiều người nghĩ ngược rằng phải nâng cấp giao thông công cộng trước khi cấm xe máy, nhưng thử hỏi nâng cấp kiểu gì? Đường hiện giờ luôn trong tình trạng kẹt cứng vì quá tải xe cá nhân, nên xe buýt có chen chân vào được đâu mà đòi hỏi nâng cấp, phát triển? Bắt xe buýt chạy chung với xe máy, ôtô như hiện giờ thì còn kẹt dài.
Còn nếu bạn vẫn một mực phản đối chuyện này, thì xin hỏi làm sao để cải thiện phương tiện công cộng trước? Xin mời các bạn thử nêu một giải pháp khả thi để hạn chế tắc đường? Xin nhấn mạnh lại, không có làn riêng, không bao giờ xe buýt ở TP HCM và Hà Nội chạy đúng giờ được hết. Chúng ta phải tạo đất sống cho xe buýt, rồi từ đó mới tìm cách phát triển hệ thống xe tiện lợi hơn.
Nên nhớ, hai thành phố lớn của ta muốn phát triển nữa thì hệ thống giao thông công cộng là bắt buộc phải có. Nếu không, 10 năm hay 20 năm tới, tình trạng kẹt xe sẽ chỉ càng dữ dội hơn. Nếu ai từng ở TP HCM 15-20 năm trước mà so với bây giờ là sẽ hiểu. Tôi từng ở Sài Gòn trong hơn một tháng, ngày nào cũng đi bộ từ nhà ra bến xe chợ lớn để bắt xe đi ra Quận 1. Đoạn đường là trên dưới 2 km chứ không phải là 500 m như nhiều người vẫn đòi hỏi. Chỉ hôm nào mưa, tôi mới bắt xe đi ra bến xe chợ lớn, sau đó ngồi xe buýt. Thế nên, đừng ai bảo đi xe buýt ở Việt Nam khó khăn này nọ, làm được hay không là do quyết tâm của mỗi người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.